6 tháng 4, 2011

RỐI LOẠN TÂM THẦN THỰC TỔN

Khái niệm chung:

Rối loạn tâm thần thực tổn (organic mental disorders – RLTTTT) là các bệnh tâm thần hay các trạng thái rối loạn tâm thần có liên quan trực tiếp đến tổn thương thực thể ở tổ chức não do nhiều nguyên nhân khác nhau. Đó có thể là các bệnh của não (u não, viêm não, tai biến mạch máu não,…) nhưng phần nhiều là các bệnh ngoài não (nhiễm khuẩn huyết, nhiễm độc, chấn thương sọ não, các bệnh tim mạch các bệnh gan, thận, nội tiết,…).

Nguyên nhân:

Có nhiều nguyên nhân gây rối loạn tâm thần thực tổn. Tuỳ thuộc vào phương thức tiến triển, vào biểu hiện lâm sàng mà người ta thường chú ý đến các nguyên nhân sau đây:

1. Nhiễm độc:

Thường gặp nhiễm độc các loại thuốc dùng trong nông nghiệp, công nghiệp và trong Y học. Đáng chú ý là: các thuốc chống Parkinson, thuốc hướng thần, giảm đau chống động kinh, thuốc mê. rượu, kim loại nặng, các chất ma tuý,…

2. Nhiễm khuẩn:

Bao gồm 2 loại nhiễm khuẩn nội sọ và nhiễm khuẩn toàn thân, tiến triển cấp tính hoặc mạn tính.

2.1. Nhiễm khuẩn nội sọ: viêm màng não, viêm não, apxe não, giang mai não,…

2.2. Nhiễm khuẩn toàn thân: nhiễm khuẩn huyết, nhiễm khuẩn một số cơ quan nội tạng, nhiễm khuẩn đặc hiệu như lao, thương hàn, sốt rét,…

3. Rối loạn chuyển hoá:

Chứng tăng urê máu, suy gan, rối loạn nước - điện giải,…

4. Thiếu hoặc giảm oxy não:

Suy tim, rối loạn thông khí phổi (bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính),…

5. Các rối loạn mạch máu não:

Đột quỵ não, suy chức năng não, tăng huyết áp, viêm tắc mạch não, nhồi máu não,…

6. Chấn thương sọ não

Thường gặp do nhiều tác nhân khác nhau trong thời bình (tai nạn giao thông, tai nạn lao động,…) cũng như trong thời chiến (các vết thương do hoả khí, chấn thương do sóng nổ,…).

7. Rối loạn nội tiết:

Bệnh tuyến giáp, bệnh tuyến yên, bệnh tuyến thượng thận,…

8. Động kinh:

Thường gặp trong động kinh cơn lớn toàn thể, động kinh thái dương, động kinh tiến triển kéo dài,…

9. Các bệnh gây thoái hoá hệ thống thần kinh:

Alzheimer, Pick, Parkinson, Huntington,…

10. Các tổn thương choán chỗ:

U não, noã nước,…

11. Thiếu vitamin:

Vitamin B12, axit folic, vitamin B1, vitamin PP.

Phân loại:


Theo Bảng phân loại bệnh tật Quốc tế lần thứ 10 (ICD – 10), năm 1992, của tổ chức Y tế Thế giới thì RLTTTT được xếp vào nhóm: F00 – F09 “Các rối loạn tâm thần thực tổn bao gồm cả rối loạn tâm thần triệu chứng” (organic, including symptomatic, mental disorders).

Trong Bảng phân loại của Hội Tâm thần học Mỹ (DMS – IV), năm 1994, RLTTTT được xếp vào 2 nhóm chính:

* Những rối loạn mê sảng, mất trí và rối loạn trí nhớ và những rối loạn nhận thức khác.
* Những rối loạn có liên quan đến phụ thuộc hoặc lạm dụng các chất hướng tâm thần.

+ Mê sảng:

 Mê sảng trong các bệnh nói chung:

- Mê sảng trong nhiễm độc các chất hướng tâm thần.
- Mê sảng trong cai các chất hướng tâm thần.
- Mê sảng trong nhiều nguyên nhân khác nhau.

 Mê sảng không biệt định khác.

+ Mất trí:

Mất trí trong bệnh Alzheimer.

Mất trí trong các bệnh mạch máu não.

- Mất trí dai dẳng do sử dụng chất hướng tâm thần.
- Mất trí trong các nguyên nhân khác nhau.

Mất trí không biệt định khác.


+ Rối loạn trí nhớ:

Rối loạn trí nhớ trong các bệnh nói chung.

- Rối loạn trí nhớ dai dẳng khi sử dụng các chất hướng tâm thần.

 Chẩn đoán phân biệt:

Việc đánh giá chính xác RLTTTT là một thách thức to lớn không chỉ đối với các bác sỹ nội khoa nói chung mà còn cả đối với bác sỹ chuyên khoa tâm thần nói riêng. Điều quan trọng nhất là phải xác định được đâu là rối loạn tâm thần “thực tổn” và đâu là rối loạn “chức năng”. Đó là việc làm rất khó khăn. Tuy vậy, ở một chừng mực nào đó, người ta cũng xác định được một số những điểm chính cần phân biệt với các rối loạn thần kinh, hysteria, những triệu chứng của tâm thần phân liệt khởi phát, phản ứng thực tổn cấp tính và mạn tính không có loạn thần,v.v…

1. Phân biệt với các trạng thái không thực tổn:

Việc phân biệt với các trạng thái không thực tổn thường xác định nguyên nhân gây thực tổn là rất dễ dàng khi có rối loạn ý thức, rối loạn nhận thức, khi có những cơn động kinh hoặc khi có triệu chứng rối loạn tâm thần và các dấu hiệu khác kèm theo. Nhưng không phải tất cả là như vậy, một vài trường hợp có biểu hiện ảo giác, thay đổi cảm xúc hoặc các triệu chứng giống TTPL hoặc là các triệu chứng thực tổn không rõ nguyên nhân thì rất khó phân biệt như các triệu chứng: rối loạn cảm xúc, mê sảng, rối loạn giấc ngủ … gặp sau các chấn thương tâm lý. Người ta cũng có thể sử dụng một số xét nghiệm hỗ trợ cho chẩn đoán quyết định như EEG, test tâm lý, chụp cắt lớp vi tính sọ não (CT – Scaner), thậm chí có thể chụp cộng hưởng từ hạt nhân (MRI). Khoảng 10% số bệnh nhân thực tổn không có triệu chứng loạn thần.

1.1. Rối loạn thần kinh:

Là những rối loạn chức năng của não, biểu hiện bằng: rối loạn lo âu, trầm cảm, dễ bị kích thích, mất ngủ. Các triệu chứng này thường không đầy đủ, không thể nghĩ đến một loạn thần thực tổn được. Các triệu chứng ám ảnh, nhất là ám ảnh sợ (phobia) không đặc trưng cho một bệnh thực tổn nào và có khuynh hướng phát triển tâm căn.

1.2. Dạng hysteria phản ứng:

Cũng chỉ là phản ứng tạm thời, thường gặp là những phản ứng cấp tính, cảm xúc quá mức và có khuynh hướng biểu hiện triệu chứng hysteria rõ ràng. Trong trường hợp “mất trí giả”,cần phải khai thác trong tiền sử có đặc điểm nhân cách kiểu “hysteria” hay không. Có thể gặp giả liệt hoặc ngất lịm. Thường gặp 14% là chẩn đoán nhầm với hysteria và loạn thần kinh nói chung.

1.3. Triệu chứng giống tâm thần phân liệt:

Những triệu chứng này rất đa dạng, biểu hiện bằng các ảo giác, dễ nhầm với rối loạn thưch tổn não. Ngoài ra cũng hay gặp hoang tưởng cấp tính hoặc mạn tính. Điều quan trọng là phải khai thác tiền sử của bệnh tỉ mỉ và có hệ thống. Thường gặp 25% chẩn đoán nhầm với TTPL.

1.4. Các triệu chứng rối loạn trầm cảm:

Đặc biệt là các triệu chứng rối loạn trầm cảm không điển hình, và trầm cảm ẩn, biểu hiện bằng các rối loạn cơ thể phức tạp như rối loạn chức năng tim mạch, rối loạn hệ thống tiêu hoá, hệ thống hô hấp … Những trường hợp này cần phải khai thác kỹ về tiền sử của bệnh, đã điều trị bằng các loại thuốc chống trầm cảm nào chưa? Đã làm sốc điện lần nào chưa? Có tái diễn một triệu chứng nhiều lần hay không? Thường gặp 20% chẩn đoán nhầm là các rối loạn trầm cảm.

2. Phân biệt giữa phản ứng thực tổn cấp tính và mạn tính:

Trong thực hành lâm sàng cần lưu ý đến quá trình hình thành bệnh loạn thần thực tổn. Phản ứng thực tổn cấp tính được hình thành do rối loạn ý thức ở các mức độ khác nhau. Ngược lại, phản ứng thực tổn mạn tính có tính chất khác hẳn như: tiến triển chậm, các triệu chứng mờ nhạt, lẻ tẻ có ảo giác không rõ ràng hoặc là có hoang tưởng ở từng giai đoạn của bệnh và từ từ dẫn đến mất trí toàn bộ.

Rối loạn cấp tính của não hiếm hơn là rối loạn mạn tính. Thường gặp các triệu chứng như: rối loạn lo âu, rối loạn vận động với các ảo tưởng và ảo giác thị giác nổi bật. Sự thiếu sót trong nhận thức thực chất làm phong phú trên và làm rõ ràng thêm những mê mộng, trống rỗng, ngốc nghếch và suy nhược. Đó là đặc điểm của tư duỷ tong phản ứng thực tổn mạn tính.

3. Phân biệt giữa tổn thương lan toả và tổn thương khu trú:

Một số rối loạn tâm thần thực tổn thường gặp:

+ Rối loạn tâm thần do u não.

+ Rối loạn tâm thần do chấn thương sọ não.

+ Rối loạn tâm thần do nhiễm khuẩn.

+ Rối loạn tâm thần do giang mai:

  - Rối loạn tâm thần do giang mai não.
  - Rối loạn tâm thần do liệt tuần tiến.

+ Rối loạn tâm thần do nhiễm độc:

  - Nghiên rượu mạn tính.
  - Rối loạn tâm thần do rượu.
  - Nghiện thuốc phiện và các dẫn xuất có thuốc phiện.
  - Nghiên các thuốc hướng tâm thần.
  - Rối loạn tâm thần do nhiễm hoá chất dùng trong công nghiệp, nông nghiệp, thực phẩm,…

+ Rối loạn tâm thần do rối loạn nội tiết:

  - Rối loạn tâm thần trong các bệnh nội tiết.
  - Rối loạn tâm thần liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt.
  - Rối loạn tâm thần thời kỳ sinh đẻ.

+ Rối loạn tâm thần trong các bệnh mạch máu.

+ Rối loạn tâm thần do các rối loạn chuyển hoá và thiếu vitamin.

+ Rối loạn tâm thần trong các bệnh thực thể khác.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét