6 tháng 4, 2011

Phản ứng của cơ thể trước stress

Phản ứng của cơ thể trước stress là sự tổng hòa hai mặt của phản ứng sinh học và phản ứng tâm lý. Phản ứng sinh học thông qua con đường thần kinh – thể dịch, ảnh hưởng đến mọi chức năng của cơ thể và gây ra những biến đổi thể chất nhất định (mạch nhanh, vã mồ hôi, run chân tay...). Còn phản ứng tâm lý cá nhân thông qua đáp ứng cảm xúc, nhận thức và ứng xử, biểu hiện như buồn rầu, lo âu, sợ hãi, bồn chồn, tức giận...

Phản ứng sinh học của cơ thể trước stress

Hans Selye (1954) đã mô tả những phản ứng sinh học của cơ thể trong "Hội chứng thích nghi tổng quát"(General Adaptation Syndrome) bao gồm ba giai đoạn sau:

Giai đoạn phản ứng báo động (stage of Alarm Reaction)

Trước cảm xúc mạnh, đột ngột - stress đặt ra một sự báo động trong não, cơ thể biến đổi sinh lý chuẩn bị đối phó với hoàn cảnh mới, chuẩn bị hoạt động phòng vệ, hệ thống thần kinh tăng cường và tăng chế tiết các hormon làm cho cơ thể ở vào tình trạng hưng phấn, tăng cảm giác, tăng nhịp tim, tăng nhịp thở, đồng tử giãn, dạ dầy như bị thắt chặt lại, hồi hộp, vã mồ hôi, nổi gai ốc, run chân tay, căng thẳng các cơ... Về mặt hoá sinh, giai đoạn này có sự tăng tiết nhóm catecholamine. Đáp ứng này (đôi khi gọi là đáp ứng đương đầu hay đáp ứng trốn tránh) là quan trọng bởi vì nó giúp cho chúng ta bảo vệ cơ thể, chống lại các tình huống đe doạ của stress ở nơi làm việc hay ở nhà. Một khi stress được loại bỏ thì cơ thể sẽ trở lại bình thường.

Các tác giả Rainer Reinschied, Olivier Civelli và Hans Peter Nothacker còn phát hiện được rằng, não có khả năng sản xuất ra một loại protein có thể điều hoà phản ứng của cơ thể đối với stress gọi là Ophanin FQ hay Nociceptin. Đó là một loại protein rất nhỏ của não, được tìm thấy ở vùng hạnh nhân và vùng dưới đồi, protein này có tác dụng giúp cho cơ thể thích nghi được với stress tái diễn. Các tác giả cũng cho rằng, Ophanin FQ hay Nociceptin có tác dụng chống lại phản ứng "đương đầu hay trốn tránh" của cơ thể đối với stress, đó là phản ứng có tác dụng kích thích tuyến yên và tuyến thượng thận sản xuất các hormon và tăng hoạt động của vùng não điều khiển các phản ứng báo động và vận động. (Rainer. R.)

Giai đoạn đề kháng (Stage of Resistance)

Giai đoạn này xẩy ra sau giai đoạn báo động. Các đợt ngắn hoặc không thường xuyên của stress tạo ra các nguy cơ nhỏ. Nhưng khi tình huống stress không thể giải quyết được, hoặc do stress tác động trường diễn. Cơ thể cố duy trì trạng thái hoạt hoá, thông qua hệ thần kinh trung ương gây kích thích trục dưới đồi-tuyến yên-vỏ thượng thận, giải phóng nhiều corticosteroid, tăng nồng độ đường trong máu để cung cấp năng lượng, tăng huyết áp, từ đó tác động lên toàn bộ cơ thể. Các biến đổi này nằm trong rối loạn còn bù trừ và có tính chất lâu dài. Giai đoạn này có sự tham gia của toàn bộ cơ thể, trong đó có hệ thần kinh trung ương. Nếu stress còn tiếp tục, cơ thể mất bù sẽ dẫn đến giai đoạn kiệt sức.

Giai đoạn kiệt sức (Stage of Exhaustion)

Do stress quá sức chịu đựng hoặc có nhiều stress tác động trường diễn làm cho những biến đổi của cơ thể mất khả năng bù trừ, cơ thể trở nên suy kiệt và mệt mỏi, khả năng điều chỉnh và tự phòng vệ bị suy yếu nghiêm trọng, khả năng thích nghi bị rối loạn và xuất hiện nhiều trạng thái bệnh lý khác nhau về cơ thể và tâm thần [95].

Phản ứng tâm lý trước stress

Trước tác động của stress, nhân cách không hoàn toàn bị động mà có sự nhận thức, tiếp nhận hay chống lại stress. Phản ứng của nhân cách trước tác động của stress là phản ứng mang tính cá thể. Mỗi cá thể phản ứng theo một cách riêng, phụ thuộc vào nhận thức, hiểu biết, cá tính, tố bẩm của mỗi người. Eysenck  H. và cs. đưa ra 4 dạng phản ứng của nhân cách trước tác động của stress:

         - Type A: Khi gặp stress, cá thể thường bùng nổ một cách giận giữ, tăng tiết ACTH dẫn đến tăng tiết cortisol và adrenaline gây giữ nước, tăng huyết áp, xơ vữa động mạch và bệnh mạch vành.
         - Type B: Khi gặp stress, cá thể thường thất vọng, các phản ứng thường lặn vào trong, kìm nén những phản ứng cảm xúc dẫn tới giảm niễn dịch, dễ bị nhiễm trùng, thiên hướng bị ung thư.
         -Type C: Biểu hiện phản ứng trước stress thường là lặng lẽ, buồn rầu. Về sinh hoá có giảm canxi máu, giảm các yếu tố vi lượng, thường lão hoá sớm, dễ bị trầm cảm.
        -Type D: Trước tác động của stress, cá thể thường bình tĩnh, tự tin, tự khẳng định mình, không có biến đổi đáng kể, khả năng thích nghi.

                                                                                                    (TS. Lã Thị Bưởi)

KHÁI NIỆM CƠ BẢN VỀ SỨC KHỎE TÂM THẦN

1. Sức khỏe tâm thần là gì?

- Sức khỏe tâm thần là một trạng thái không chỉ không có rối loạn hay dị tật tâm thần mà còn là một trạng thái tâm thần hoàn toàn thoải mái, cần phải có chất lượng nuôi sống tốt, có được sự cân bằng và hòa hợp giữa cá nhân, người xung quanh và môi trường xã hội.

2. Thế nào là bệnh tâm thần?

•    Bệnh tâm thần là những bệnh do hoạt động não bộ bị rối loạn gây nên những biến đổi bất thường về lời nói, ý tưởng, hành vi, tác phong, tình cảm…

•    Bệnh tâm thần là loại bệnh rất phổ biến, công nghiệp ngày càng phát triển, sự tập trung dân cư vào các thành phố ngày càng đông, cuộc sống ngày càng căng thẳng thì bệnh ngày càng tăng.

•    Bệnh tâm thần thường không gây chết đột ngột nhưng làm giảm sút khả năng lao động, học tập, làm đảo lộn sinh hoạt, gây căng thẳng cho các thành viên trong gia đình và tổn thất cả về kinh tế.

•    Bệnh tâm thần nếu không được chữa trị kịp thời có thể dẫn đến trạng thái tâm thần sa sút, người bệnh trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Phát hiện sớm và ngăn chặn kịp thời là để ngăn chặn sự tiến triển xấu này.

3. Những nguyên nhân gây nên bệnh tâm thần?

   Nguyên nhân gây nên bệnh tâm thần là một vấn đề phức tạp.
   Hiện nay có những bệnh nguyên nhân đã rõ ràng, nhưng vẫn còn một số bệnh nguyên nhân chưa xác định được.
   Xung quanh vấn đề bệnh nguyên và bệnh sinh các bệnh tâm thần còn tồn tại nhiều quan điểm và giả thuyết khác nhau.

  3.1. Bệnh tâm thần phát sinh do các nguyên nhân thực tổn:

  - Là những bệnh mà nguyên nhân do tổn thương trực tiếp tổ chức não hay ngoài não gây trở ngại hoạt động của não:

 + Do tổn thương trực tiếp đến tổ chức não:

  - Chấn thương sọ não.

  - Nhiễm trùng thần kinh (viêm não, giang mai, thần kinh…)

  - Nhiễm độc thần kinh (nghiện rượu, ma túy, nhiễm độc thực phẩm, nhiễm độc hóa chất công nghiệp, nông nghiệp…).

  - Các bệnh mạch máu não, các tổn thương não khác (u não, teo não, xơ rải rác, tai biến mạch máu não…)

 + Do các bệnh cơ thể ảnh hưởng đến hoạt động não:

  - Các bệnh nội khoa, nội tiết
 
 - Các bệnh về chuyển hóa và thiếu sinh tố…

  3.2. Bệnh tâm thần phát sinh do các nguyên nhân tâm lý :
 
  - Bệnh loạn thần phản ứng bao gồm: loạn thần phản ứng cấp, rối loạn sang chấn sau stress (PTSD, rổi loạn sự thích ứng.

  - Căng thẳng tâm lý dẫn đến bệnh tâm căn, rối loạn dạng cơ thể, rối loạn phân ly.
 
  - Rối loạn hành vi ở thiếu niên do giáo dục không đúng, môi trường xã hội không thuận lợi.
 
  - Rối loạn ám ảnh, lo âu…
 
3.3. Bệnh tâm thần phát sinh do cấu tạo thể chất bất thường và phát triển tâm lý gây ra:
  
- Các di tật bẩm sinh.
 
 - Thiếu sót về hình thành nhân cách.
 
3.4. Các nguyên nhân chưa rõ ràng:
 
  - Do có sự kết hợp phức tạp của nhiều nguyên nhân khác (di truyền, chuyển hóa, miễn dịch, cấu tạo thể chất…) nên khó xác định nguyên nhân chủ yếu.
  
  Các rối loạn tâm thần nội sinh thường gặp là:

   - Bệnh tâm thần phân liệt.

   - Rối loạn cảm xúc lưỡng cực.

   - Động kinh nguyên phát
 
3.5. Các nhân tố thuận lợi cho bệnh tâm thần phát sinh
 
 3.5.1. Nhân tố di truyền :
   
- Vấn đề di truyền tất nhiên có ảnh hưởng xấu đến một số bệnh tâm thần nhưng không phải là tuyệt đối. Có khi bệnh tâm thần phát sinh trong một thành viên của gia đình mà không thấy trong các thành viên khác, có trường hợp cha mẹ đều có bệnh mà con cháu vẫn khỏe mạnh bình thường. Cũng có trường hợp nhân tố di truyền không tác động vào thế hệ tiếp theo mà vào thế hệ sau nữa.

   3.5.2. Yếu tố nhân cách:
 
  - Nhân cách bao gồm: thích thú, khuynh hướng, năng lực, tính cách, khí chất…
 
- Nhân cách mạnh, bền vững là một nhân tố chống lại sự phát sinh các bệnh tâm thần, nhất là các bệnh do căn nguyên tâm lý. Khi bị bệnh tâm thần thì người có nhân cách vững bị nhẹ hơn và hồi phục nhanh hơn.
  - Nhân cách yếu, không bền vững là một yếu tố thuận lợi cho bệnh tâm thần phát sinh, khi mắc bệnh tâm thần sẽ hồi phục khó khăn và chậm.

  3.5.3. Tuổi tác:

  - Mỗi lứa tuổi có những đặc điểm tâm lý riêng, vì thế có những loại bệnh tâm thần thường hay xảy ra ở lứa tuổi này mà ít xảy ra ở lứa tuổi khác.

  3.5.4. Giới tính:
 
 - Nam giới thường hay mắc bệnh tâm thần nhiều hơn nữ giới. Các bệnh tâm thần do chấn thương sọ não, nghiện rượu, bệnh động kinh…thường gặp ở nam giới. Các bệnh rối loạn phân ly (histeria), rối loạn cảm xúc lưỡng cực, trầm cảm, lo âu…hay gặp ở nữ giới. Đặc biệt phụ nữ còn có những rối loạn tâm thần do những sự biến động của nội tiết vào các thời kỳ: dậy thì, kỳ kình nguyệt, sinh nở, tiền mãn kinh mà và mãn kinh.
 
 3.5.5. Tình trạng sức khỏe tâm thần:

-  Trên thực tế lâm sàng thường gặp những bệnh tâm thần phát sinh khi sức khỏe bị giảm sút, mất ngủ kéo dài, thiếu dinh dưỡng lâu ngày, làm việc quá sức…Khi người bệnh tâm thần quá suy kiệt thì cần phải nâng cao thể trạng để giúp người bệnh nhanh chóng hồi phục.

Những bệnh tật phát sinh từ ý nghĩ

Một khi cơ thể đứng trước các nguy cơ gây bệnh hoặc mắc bệnh, vỏ não sẽ nhận được những tín hiệu báo động và toàn bộ các vùng trong cơ thể sẽ được khởi động: chương trình “khôi phục sức khỏe”: bắt đầu hoạt động và cơ thể sẽ được đưa trở lại trạng thái bình thường.

Ý nghĩ có thể gây nên bệnh tật, hay nói đúng hơn trang thái tâm lý của con người có liên quan trực tiếp đến sức khỏe – đó là điều đã được khoa học thừa nhận từ lâu. Tuy nhiên, cơ chế tác động cụ thể của ý nghĩ đối với sức khỏe và mỗi loại bệnh tật ra sao và sức “công phá” của ý nghĩ lớn đến thế nào? Đó là điều mà các nhà khoa học vẫn đang đi tìm lời giải đáp.

Mắc bệnh chỉ vì nghĩ quẩn

Một chàng trai trẻ đã tận mắt chứng kiến cái chết vì nhồi máu cơ tim của ông bạn đồng nghiệp già ngay tại phòng làm việc. Sau đó, chàng trai bắt đầu lo sợ: “Có thể một lúc nào đó, mình cũng sẽ bị nhồi máu cơ tim và chết”. Vì vậy, anh ta luôn mang theo bên mình các thứ thuốc dự phòng cần thiết. Chỉ cần cảm thấy ở vùng ngực có một chút biểu hiện hơi khác thường là anh ta vội tới ngay bệnh viện, làm đủ các thứ xét nghiệm. Ban đầu các thầy thuốc không phát hiện thấy gì khác thường nhưng anh ta vẫn quả quyết rằng tính mạng mình đang bị đe dọa. Và thế là những triệu chứng “tưởng tượng” dần dần đã hiện diện thực sự. Đến lần khám thứ 9 thì anh được bác sĩ chẩn đoán là “có dấu hiệu rối loạn thần kinh chức năng tim” và cảnh báo có thể xuất hiện những cơn đau thắt ngực. Nhưng một chuyên gia tim mạch giàu kinh nghiệm lại quả quyết rằng, anh cần phải đến chuyên khoa tâm thần. Thật lạ, chỉ sau vài lần được điều trị bằng liệu pháp tâm lý, các triệu chứng về bệnh tim mạch của anh ta đã “không cánh mà bay”.

Câu chuyện trên được ghi vào y văn thế giới từ những năm 1960, khi thuật ngữ “Nobeco” ra đời, để mô tả tác hại đối với sức khỏe và bệnh tật của những ý nghĩ bi quan, tiêu cực – trái ngược với thuật ngữ “Placebo” – mô tả hiệu quả tích cực của những suy nghĩ lạc quan và sự tin tưởng vào một điều gì đó cho dù điều đó không có tác dụng đặc hiệu gì.

Rất nhiều nghiên cứu, thử nghiệm đã được tiến hành sau đó để chứng thực rằng những suy nghĩ tiêu cực có thể gây những phản ứng bệnh tật cho cơ thể. Một thử nghiệm kinh điển là: cho một nhóm người dùng nước đường và bảo đây là chất gây nôn. Kết quả 80% số người tham gia đã bị nôn mửa. Không phải nước đường mà chính sự lo sợ, cho rằng mình thể nào cũng nôn, đã dẫn đến tình trạng này. Cho đến nay, giới khoa học đã kết luận rằng: tất cả những chứng bệnh tâm thể (tinh thần và thể xác), theo số liệu thống kê chiếm tới 50% tổng số bệnh tật, đều phát sinh dưới tác động của các loại tình cảm tiêu cực, đặc biệt là sợ hãi. Chính nỗi sợ hãi bị mắc bệnh tật, một khi đã chiếm giữ vai trò chủ đao, trở thành nỗi ám ảnh bao trùm lên toàn bộ tâm lý con người và tạo ra trạng thái “ám thị bệnh tật” đã khiến con người ta mắc bênh!

Nghĩ làm sao, bệnh “chiêm bao” làm vậy
Ngay từ cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19, bác sĩ người Đức Gufeland đã cho rằng: Mỗi bộ phận trên cơ thể đều bị ảnh hưởng bởi những ý nghĩ, xúc cảm từ chính bản than mỗi người. Tuy chưa xác định được cụ thể cơ chế gây bệnh của những ý nghĩ tiêu cực nhưng ở thời điểm đó ông đã nhận ra: trong số những tác nhân gây nên lão suy và làm giảm tuổi thọ, thì trạng thái chán nản, u buồn, sợ hãi, đố kỵ có tác động cực mạnh và nguy hại nhất.

Giờ đây, sau nhiều quan sát thử nghiệm, các nhà khoa học đã có thể rút ra sự tương quan giữa các loại bệnh tật và trạng thái tâm lý, chẳng hạn: Những người hay có ý nghĩ “sống độc thân thích hơn”, không tin vào tình yêu, hoặc không cho phép mình yêu người khác có khả năng mắc các bệnh về tim mạch rất cao; Bệnh viêm khớp thường tấn công những người luôn có quan điểm phủ nhận là: “không thể như vậy được” và hay kết tội người khác rằng họ đang bóc lột mình; Bệnh huyết áp cao thường xuất hiện ở những người quá tự tin vào khả năng của mình và luôn cho rằng “Việc này ta làm ngon!”; Người hay có ý nghĩ chán nản, thất vọng về những thất bại trong cuộc sống và theo chủ nghĩa phê phán thường hay mắc các bệnh về thận; Bệnh hen suyễn và các vấn đề về phổi thường xuất hiện ở những người không biết cách sống tự lập; Các bệnh về dạn dày xuất hiện do hậu quả của những xúc động mạnh trong quá khứ. Dạ dày cũng rất nhạy cảm với sự sợ hãi, ghen tị, đấu tranh và căm ghét. Việc kìm nén tình cảm, cố gắng quên chúng là nguyên nhân của chứng rối loạn dạ dày; Sự thù địch là nguyên nhân của chứng đau rát thực quản; Sự giận dữ, bực tức, hằn học là nguyên nhân của các bệnh truyền nhiễm (nhiễm trùng); Không thể tự quyết định, sợ phải đưa ra quyết định cuối cùng, sợ đương đầu với những khó khăn trong cuộc sống là nguyên nhân của những bệnh về răng miệng; Mất ngủ là do những ý nghĩ muốn trốn chạy khỏi cuộc sống, không muốn nhìn thấy những mặt tiêu cực của cuộc sống. Chứng táo bón thưởng xuất hiện ở những người có tình cảm quá lớn và những xúc động mạnh…

Sức “tàn phá” của ý nghĩ

Không những có thể gây nên bệnh tật, những ý nghĩ tiêu cực còn có đủ sức giết chết cả một người hoàn toàn khỏe mạnh. Y văn thế giới đã ghi lại câu chuyện tại một nhà tù ở Mỹ, người ta chuẩn bị đưa một phạm nhân ra hành hình trên ghế điện. Phạm nhân này hiểu rằng trong khoảnh khắc bật công tắc cho dòng điện cao thế nối vào ghế điện, chiếc bóng điện trên trần nhà sẽ bị tắt đi giây lát; khi phạm nhân này vừa ngồi vào ghế và dòng điện vẫn chưa được nối thì bóng đèn trong phòng bỗng phụt tắt do trục trặc kỹ thuật. Thế là phạm nhân đã chết ngay trên chiếc ghế chưa có điện. Anh ta đã không bị chết do dòng điện cao thế mà chính nỗi sợ hãi về một cái chết không sao tránh khỏi đã giết chết anh ta!

Theo giả thuyết của các nhà khoa học thì trong cơ thể sống, ngoài các gen vật chất bình thường mang những thông tin di truyền mà chúng ta nhìn thấy được trong kính hiển vi, còn có một loại “siêu gen toàn ảnh” (Hologram-Supergen) trong đó không những chứa đựng các vật chất di truyền mà còn “ghi nhớ” cả cấu trúc không gian và thời gian của toàn bộ cơ thể sống. Chính những siêu gen đó kiến tạo nên các cấu trúc năng lượng của tế bào, các mô, các tổ chức và toàn bộ cơ thể. Nó cũng “cài đặt sẵn” cả chương trình nhằm đảm nhiệm việc khội phục sức khỏe và chương trình rút ngắn sự sống khi cần thiết. Một khi cơ thể đứng trước các nguy cơ gây bệnh hoặc mắc bệnh, vỏ não sẽ nhận được những tín hiệu báo động và toàn bộ các vùng trong cơ thể sẽ được khởi động: chương trình “khôi phục sức khỏe” bắt đầu hoạt động và cơ thể sẽ được đưa trở lại trạng thái bình thường. Nhưng những ý nghĩ bi quan, sự sợ hãi bệnh tật, chết chóc lại đưa vào vỏ não những thông tin giả tạo, gây nên những sai lệch trong cấu trúc không gian – thời gian của siêu gen, khiến cho khả năng tự khôi phục sức khỏe bị triệt tiêu, từ đó khiến cho bệnh tật nảy sinh. Chẳng những thế, nỗi khiếp sợ trước cái chết không thể tránh khỏi còn có thể “bật công tắc” khiến chương trình “rút ngắn sự sống” đi vào hoạt động. Và cái chết sẽ đến rất sớm với những người luôn bị ám ảnh bởi những ý nghĩ tiêu cực, sợ hãi, chán nản, tuyệt vọng … Chính bởi vậy mà các bác sĩ luôn khuyên bệnh nhân phải có lòng tin là bệnh sẽ khỏi. Điều này có tác dụng củng cố chương trình “khôi phục sức khỏe” đã được cài đặt sẵn ở trong siêu gen, như vậy bệnh nhân sẽ vượt qua bệnh tật một cách dễ dàng hơn!

(Theo Healthnews)

RỐI LOẠN TĂNG ĐỘNG GIẢM CHÚ Ý Ở TRẺ

Rối loạn (RL) tăng động giảm chú ý là một trong những RL hay gặp nhất trong thực hành tâm thần ở trẻ em. Ở Việt Nam hiện chưa có thống kê cụ thể nhưng ở Hoa Kỳ thì khoảng 50% trẻ em đến khám tại chuyên khoa tâm thần được chẩn đoán RL này. Tuổi dễ nhận thấy nhất là từ 6-12 tuổi vì đây là tuổi học đường, điều kiện để cho mọi người như thầy cô giáo, cha mẹ thấy được sự không bình thường này cho dù RL có từ trước đó nhiều năm. RL này hay gặp nhiều ở trẻ trai hơn gái với tỷ lệ nam/nữ khoảng 4/1.
Tu-van-ma-tuy
RL tăng động giảm chú ý gồm có 2 nhóm triệu chứng nổi bật sau:

- RL tăng động: biểu hiện ngay từ lúc 3-4 tuổi, đó là những đứa trẻ mà cha mẹ chúng và người xung quanh nhận thấy chúng quá hiếu động so với trẻ bình thường khác. Chúng thường xuyên chạy nhảy vận động không ngừng, không biết mệt mỏi, chỉ trừ lúc ngủ có biểu hiện ngủ ít và khó ngủ hơn những trẻ khác. Chúng không thể ngồi yên được một chỗ. Nếu bắt ngồi thì chúng vặn vẹo, ngọ nguậy, đung đưa co duỗi chân tay không ngừng. Điều này rõ nhất khi trẻ ngồi trong lớp học trẻ không nghe cô giảng, trẻ hết quay bên nọ lại sang bên kia, tự nhiên lấy đồ của bạn, tự nhiên đứng lên, tự động bỏ chỗ không xin phép cô giáo, gây mất trật tự trong lớp. Khi cô giáo hỏi, trẻ thường trả lời ngay khi chưa nghe hết câu hoặc thường nói leo khi chưa đến lượt trả lời. Nếu càng bắt chúng ngồi yên chúng càng ngọ nguậy. Trẻ thường bị phạt nhưng dường như vẫn chứng nào tật nấy. Khi chơi với các bạn trẻ thường không bao giờ nhường nhịn và dễ dàng gây gổ đánh lộn nếu trái ý, trẻ không đủ kiên nhẫn chờ đợi tới lượt mình... nên trẻ thường được cho là học sinh cá biệt. Khi ở sân chơi, trẻ thường chạy nhảy leo trèo, trèo cây, trèo lên lan can đánh đu, trượt trên tay vịn cầu thang, bấp chấp nguy hiểm nên hậu quả này là hay bị bầm tím, gãy chân, gãy tay do ngã, do va đập, quần áo sộc sệch, nhàu rách. Khi đi trên đường phố, trẻ thường chạy lao qua đường không chú ý đến xe cộ cho nên dễ bị tai nạn giao thông. Khi ở công viên hay gần hồ ao, trẻ thường hay leo cây, chui vào bụi hoặc đuổi bắt bướm, chuồn chuồn gần mặt nước nên rất dễ ngã xuống nước có thể chết đuối. Những đứa trẻ này hình như không biết tuân thủ các nội quy quy định ở trường hay trong các trò chơi tập thể, trẻ dễ dàng tham gia vào các trò nguy hiểm mà không nghĩ đến hậu quả. Khi trẻ đến nhà người khác bất kể quen hay lạ, trẻ thường không ngại ngùng đi lăng xăng, sờ vật này lấy vật kia, như thể đi thám hiểm, bất chấp nguy hiểm như ngã, đổ vỡ, điện giật... làm cho bố mẹ và người lớn luôn phải nhắc nhở, canh chừng...

- RL chú ý: Trẻ thường không có khả năng tập trung chú ý vào bất cứ một công việc nào ở trường hay ở nhà khi cần phải kiên nhẫn một chút. Khi chơi cũng vậy trẻ thường không kiên trì, thường nhanh chán. Trẻ thường có vẻ như không nghe những lời dặn của thầy cô hay của bố mẹ, không để ý đến những quy định chung. Đối với công việc trẻ thường cẩu thả lơ là, làm qua loa đại khái, đi học thường quên không mang đồ dùng học tập hay mang thừa thứ này thiếu thứ kia, khi ra về thường quên ở lớp sách bút, quần áo và hay bị mất bút, vở, chữ viết thường xấu, nguệch ngoạc, viết không theo hàng lối, góc học tập hay đồ dùng của bản thân như quần áo, đồ chơi thường để bừa bãi, lộn xộn... Nếu bố mẹ kèm trẻ học thì trẻ không tập trung được lâu, hay quên, hay nhìn ra ngoài cửa sổ hay nhìn ra xung quanh, dễ phân tán tư tưởng khi có kích thích xung quanh hay ngọ nguậy cảm tưởng mọi thứ không vào đầu... nhiều thầy cô và phụ huynh phải kêu ca phàn nàn như đánh vật và mệt nhoài với trẻ.

Cha mẹ nên làm gì?

Trong thực tế hai hội chứng này thường kết hợp với nhau, hoặc một trong hai hội chứng chiếm ưu thế trong bệnh cảnh lâm sàng.

Người ta thường thấy khoảng 2/3 số trẻ được chẩn đoán RL tăng động giảm chú ý thường có kèm theo một rối loạn tâm thần khác như: các rối loạn về hạnh kiểm, các rối loạn chống đối với sự khiêu khích, các RL về học tập, các rối loạn lo âu, các RL cảm xúc.

Sự xuất hiện một RL tâm thần khác xảy ra cùng RL tăng động giảm chú ý thường làm cho RL này nói chung tiến triển xấu hơn. Ngược lại RL tăng động giảm chú ý có nguy cơ che giấu các RL khác như RL lo âu hay các RL cảm xúc như trầm cảm...

Hậu quả của RL tăng động giảm chú ý làm cho trẻ dễ bị bạn bè xa lánh, bị bỏ rơi, cô lập, kết quả học tập kém, bị lưu ban, bị thầy cô quở trách và liệt vào dạng học sinh cá biệt... điều này càng làm cho trẻ thiếu tự tin, cảm xúc không ổn định, lo âu, trầm cảm, chán học, bỏ học... hoặc một số trẻ có phản ứng trở nên cô độc, dễ giận dữ gây gổ, thách thức chống đối xung quanh, dễ sa vào các tệ nạn xã hội như nghiện rượu ma túy khi lớn... Tóm lại, RL tăng động giảm chú ý sẽ ảnh hưởng xấu đến cuộc sống xã hội, học tập, gia đình, nghề nghiệp của trẻ hiện tại và sau này. Vì thế, khi thấy trẻ có những biểu hiện của chứng RL này, cha mẹ nên đưa trẻ tới các chuyên khoa tâm thần của các bệnh viện để được khám và tư vấn điều trị đúng hướng. Mặt khác, đối với những trẻ được xác định là RL tăng động giảm chú ý, gia đình và nhà trường cần hiểu rõ tâm lý của trẻ để có cách giáo dục và hướng dẫn trẻ thích hợp tránh gây áp lực không cần thiết, có thể dẫn tới tiến triển bệnh xấu hơn.

RỐI LOẠN TRẦM CẢM TÁI DIỄN

*KHÁI NIỆM:

Rối loạn đặc trưng bởi lặp đi lặp lại những giai đoạn trầm cảm với các mức độ nhẹ, vừa, hoặc nặng và không có cơn hưng cảm nào trong tiền sử.

Thường có sự phục hồi hoàn toàn giữa các giai đoạn, nhưng một số ít bệnh nhân có thể phát triển thành trầm cảm dai dẳng, chủ yếu ở tuổi già.

*CÁC THỂ RỐI LOẠN TRẦM CẢM TÁI DIỄN:

F33.0 Rối loạn trầm cảm tái diễn, hiện tại giai đoạn nhẹ.

F33.1 Rối loạn trầm cảm tái diễn, hiện tại giai đoạn vừa.

F33.2 Rối loạn trầm cảm tái diễn, hiện tại giai đoạn nặng không có các triệu chứng loạn thần.

F33.3 Rối loạn trầm cảm tái diễn, hiện tại giai đoạn nặng có các triệu chứng loạn thần.

F33.4 Rối loạn trầm cảm tái diễn, hiện tại thuyên giảm.

F33.8 Các rối loạn trầm cảm tái diễn khác.

F33.9 Rối loạn trầm cảm tái diễn, không biệt định.

*Điều trị:

1.  Hóa dược:


1.1.  Các thuốc chống trầm cảm: dùng một trong những loại thuốc sau tùy theo từng trường hợp cụ thể
1.1.1.  Các thuốc ức chế tái hấp thu có chọn lọc serotonin

- Fluoxetine (Prozac...)  20mg, liều trung bình 20mg/ngày

- Paroxetine ( Deroxate...)

- Sertraline (Zoloft...)

- Fluvoxamine (Luvox, ...)

- Venlafaxine (Effexor, ...)

1.1.2. Các thuốc chống trầm cảm 3 vòng

- Amitriptylin (Elavil, Laroxyl, Endep...) 25mg, liều trung bình 50-100mg/ngày

- Clomipramine (Anafranil...) 25mg, liều trung bình 50-75mg/ngày

- Imipramine (Tofranil...)

1.1.3. Các thuốc tác động kép

- Mirtazapine (Remeron, ...)30mg, liều trung bình 30mg/ngày

1.1.4. Các loại khác

- Tianeptine (Stablon)

1.2.  Các thuốc giải lo âu: một trong các loại thuốc sau tùy theo mỗi trường hợp cụ thể

- Diazepam (Seduxen, Valium, Mekoluxen...) 5mg, liều trung bình 5-10mg/ngày

- Bromazepam (Lexomil...) 6mg, liều trung bình 3-6mg/ngày

- Clodiazepoxide (Librium...) 10mg, liều trung bình 5-10mg/ngày

1.3.  Các thuốc chỉnh khí sắc: Chọn một trong các thuốc sau

-         Depakin

-         Tegretol: chú ý đề phòng dị ứng thuốc

-         Muối Lithium: không dùng nếu như không định lượng được lithium trong máu

1.4.  Các thuốc tăng cường cơ địa

Các loại vitamine nhóm B

2.  Các phương pháp điều trị tâm lý:

-         Liệu pháp nhận thức hành vi.

-         Liệu pháp thư giãn luyện tập.

-         Liệu pháp gia đình.

RỐI LOẠN GIẤC NGỦ

Một số người mắc chứng ngủ rũ. Họ không thể cưỡng lại cơn buồn ngủ dù lúc đó đang nghỉ ngơi hay hoạt động. Các cơn ngủ rũ thường ngắn và hay phối hợp với ngã khuỵu (mất trương lực cơ đột ngột).

Rối loạn giấc ngủ là chứng bệnh thường gặp ở mọi lứa tuổi, mọi giới do nhiều nguyên nhân khác nhau, bệnh biểu hiện dưới ba hình thái chủ yếu là mất ngủ, ngủ nhiều và rối loạn nhịp thức ngủ.

Chứng mất ngủ

Ở những người này, việc đi vào giấc ngủ và duy trì nó trở nên khó khăn, làm cho thời gian ngủ ít đi và chập chờn không sâu. Chứng mất ngủ đa phần liên quan đến tình trạng căng thẳng, lo âu, trầm cảm và các bệnh rối loạn tâm thần khác, đôi khi là triệu chứng của một bệnh thực thể.

Một số bệnh nhân mất ngủ có cảm giác tê bì, căng cứng chân tay như có dòi bò, rất khó chịu. Các biểu hiện này tăng rõ lên vào chiều tối và trước khi đi ngủ làm người bệnh không thể ngon giấc. Tuy nhiên, nếu chỉ mất ngủ thoảng qua một vài hôm thì không thể coi là rối loạn giấc ngủ, chỉ khẳng định bệnh khi mất ngủ xảy ra ít nhất 3 lần / tuần, trong thời gian ít nhất là một tháng.

Tình trạng mất ngủ kéo dài làm bệnh nhân lo lắng, sợ hãi thậm chí trầm cảm và hậu quả là càng mất ngủ hơn.

Chứng ngủ nhiều

Một số người ngủ gật nhiều ban ngày hoặc kéo dài thời gian ngủ ban đêm, ngủ nhiều được chia làm ba loại chính là ngủ nhiều nguyên phát, ngủ rũ và hội chứng ngừng thở khi ngủ.

Ngủ rũ là một tình trạng bệnh lý thần kinh mạn tính, có đặc điểm là bệnh nhân đi vào giấc ngủ không thể cưỡng lại được trong khi đang nghỉ ngơi hoặc hoạt động. Các cơn ngủ rũ thường ngắn và hay phối hợp với ngã khuỵu (mất trương lực cơ đột ngột), kèm theo đó là các ảo giác nửa thức nửa ngủ và hiện tượng liệt khi ngủ.

Trong chứng ngủ nhiều nguyên phát, ban đêm bệnh nhân ngủ nhiều, nhưng ban ngày lại rất buồn ngủ và hay ngủ gật. Tuy nhiên, người bệnh vẫn có khả năng chống lại những cơn buồn ngủ này. Tình trạng ngủ nhiều tồn tại ít nhất từ một tháng trở lên và ảnh hưởng tới sinh hoạt hằng ngày.

Hội chứng ngừng thở khi ngủ có biểu hiện là ngừng hô hấp khoảng 20-40 giây trong khi ngủ, nguyên nhân là tắc nghẽn đường lưu thông khí hoặc tổn thương ở não (u thân não); có khi phối hợp cả hai loại trên. Hội chứng ngừng thở gây giảm bão hòa oxy và tăng nồng độ carbonic trong máu, làm bệnh nhân có nhiều lúc tỉnh giấc ngắn trong đêm.

Rối loạn nhịp thức ngủ là hiện tượng mất đồng bộ nhịp thức ngủ của người bệnh và của người thường. Quá trình bệnh lý này thường gây những thời điểm tỉnh giấc bất thường trong giấc ngủ, kèm theo những hành vi tự động, lú lẫn tâm thần và quên. Chính vì vậy mà giấc ngủ ngắn, không sâu, bệnh nhân cảm thấy không thỏa mãn. Nguyên nhân gây bệnh thường là yếu tố tâm lý, nhưng cũng có thể là bệnh thực thể hoặc di truyền.

Mộng du chính là một biểu hiện của rối loạn giấc ngủ; thường xảy ra vào lúc ngủ sâu. Tự nhiên người bệnh ngồi dậy, mắt nhìn thẳng, vẻ mặt mất thần, không đáp ứng với các tác động xung quanh, họ đi loanh quanh trong phòng hoặc ra khỏi nhà. Bệnh nhân có thể trở lại giường khi có người giúp đỡ, lúc tỉnh dậy không nhớ chuyện gì đã xảy ra. Mộng du liên quan chặt chẽ với những cơn hoảng sợ về ban đêm. Đó là các cơn hoảng loạn cực độ trong lúc ngủ sâu, kéo dài 1-10 phút, bệnh nhân la hét giãy giụa, chạy trốn, ít đáp ứng với tác động của người xung quanh, khi tỉnh dậy không nhớ gì, do đó rất dễ nhầm với cơn động kinh. Bệnh hay gặp ở trẻ em, có tính chất gia đình, có liên quan nhiều đến yếu tố tâm lý.

BỆNH TÂM THẦN PHÂN LIỆT (Schizophrenia)

1. Khái niệm

Tâm thần phân liệt (TTPL) là một bệnh loạn thần nặng và phổ biến, căn nguyên chưa rõ ràng. Bệnh có tính chất tiến triển với những rối loạn đặc trưng về tư duy, tri giác, cảm xúc, dẫn đến những rối loạn cơ bản về tâm lý nhân cách theo kiểu phân liệt và mất dần tính hài hoà thống nhất giữa các hoạt động tâm lý, gây chia cắt rời rạc các hoạt động tâm thần.

2. Vài nét lịch sử

- Bệnh được W.Griesinger mô tả lần đầu tiên trong y văn vào thế kỷ thứ XVIII dưới cái tên sự mất trí tiên phát – Primary dementia.

- Những năm tiếp sau, bệnh được nhiều tác giả đề cập đến với các tên gọi khác nhau như: Bệnh hoang tưởng – delire (F.E Fodere), bệnh mất trí sớm -dementia praecox (B. Morel), bệnh thanh xuân – hebephrenia (E. Hecter).

- Năm 1939, K.Schneider đưa ra 11 triệu chứng tiêu chuẩn quyết định để chẩn đoán TTPL.

- Ngày nay, TTPL được xếp ở mục F20 của bảng phân loại bệnh quốc tế lần thứ 10 (ICD 10F) và mục 295 trong phân loại bệnh của Hội tâm thần học Mỹ(DSM – IV).

3. Đặc điểm lâm sàng.

3.1 Đặc điểm chung.

Các triệu chứng lâm sàng của bệnh đa dạng, phong phú, luôn biến đổi tùy theo thể bệnh, giai đoạn tiến triển của bệnh…có thể khái quát hoá thành hai nhóm triệu chứng như sau:

+ Nhóm triệu chứng âm tính: thể hiện sự tiêu hao, mất mát, mất tính toàn vẹn hài hòa của hoạt động tâm thần.

- Tính thiếu hòa hợp: Tính kỳ dị, khó hiểu, khó hoà nhập, người bệnh sống trong thế giới tự kỷ bên trong nội tâm của họ, họ suy nghĩ và làm những điều kỳ dị, vô nghĩa không ai có thể hiểu được.

- Giảm sút thế năng tâm thần: giảm tính năng động, tính nhiệt tình trong mọi hoạt động, không thiết làm việc gì, cảm xúc khô lạnh, không thích hợp, tư duy nghèo nàn, ngôn ngữ đơn điệu vô nghĩa, nói một mình….

+ Nhóm triệu chứng dương tính:

Là những triệu chứng đa dạng, phong phú. Chúng xuất hiện trong quá trình bị bệnh và luôn biến đổi, chúng tồn tại nhất thời rồi mất đi hoặc thay thế bằng những triệu chứng khác. Các triệu chứng hay gặp gồm có:

Hoang tưởng:

Một số hoang tưởng hay gặp:

- Hoang tưởng bị hại: là hoang tưởng hay gặp nhất, bệnh nhân (BN) cho rằng mình bị người xung quanh (người thân hoặc người lạ) tìm cách làm hại BN và gia đình họ…

- Hoang tưởng tự cao: BN khoe khoang mình tài giỏi, có khả năng siêu phàm, giầu có…

- Hoang tưởng ghen tuông: BN luôn nghĩ rằng vợ (chồng) mình không chung thủy, quan hệ bất chính…dù thực tế xác định là không có sự việc đó.

- Hoang tưởng bị vật lý chi phối: BN cho rằng mình bị các yếu tố vật lý như tia vũ trụ, dòng điện…tác động vào cơ thể chi phối suy nghĩ, hoạt động, cảm xúc..của BN.

Ảo giác:

Hay gặp nhất là ảo thanh: bệnh nhân nghe thấy những âm thanh, tiếng nói khác thường mà người khác không nghe thấy được. Nội dung có thể là trò chuyện với BN, khen chê bình phẩm về BN , đe dọa, ra lệnh bắt BN làm việc này việc khác…

Đặc biệt, các hoang tưởng, ảo giác có thể chi phối mạnh mẽ cảm xúc, hành vi của bệnh nhân dẫn đến các hành vi kích động, đập phá, đánh, giết người xung quanh hoặc tự hủy hoại bản thân, tự sát…

3.2 Đặc điểm tiến triển lâm sàng của bệnh.

Theo R. Murray (2000), TTPL có 4 nhóm tiến triển như sau:

- Bệnh nhân có một thời kỳ bị bệnh duy nhất sau đó bệnh ổn định hoàn toàn. Kiểu tiến triển này chiếm 20% tổng số bệnh nhân tâm thần phân liệt.

- Bệnh có nhiều đợt tái phát, giữa các đợt tái phát bệnh hầu như ổn định (chiếm 35%).

- Bệnh có nhiều đợt tái phát, giữa các đợt tái phát có biểu hiện thiếu sót hành vi tâm thần rõ ràng (8%).

- Bệnh tái phát, sau mỗi đợt tái phát các di chứng tâm thần nặng nề dần lên giống như kiểu tiến triển liên tục nặng (chiếm 35%).

Tỷ lệ tái phát, sau 2 năm, chiếm khoảng 40% và tỷ lệ này tăng lên đến 80% nếu người bệnh không được điều trị liên tục. Do vậy bên cạnh sự can thiệp điều trị của thầy thuốc thì gia đình và cộng đồng đóng vai trò rất lớn trong việc giám sát, duy trì điều trị cho người bệnh để góp phần làm giảm tỷ lệ tái phát của bệnh.

4. Điều trị

a/ Hóa dược

- An thần kinh cổ điển:

+ Aminazin 25 – 1000 mg/ ngày

+ Levomepromazin 25 – 300 mg/ngày

+ Haloperidol 1,5 – 120 mg/ngày

+ Sulpiride 400 – 2400 g/ngày

- An thần kinh mới:

+ Olanzapin: 5 – 20 mg/ngày

+ Risperidone: 2- 16 mg/ngày

+ Amisulpride: 400 – 1200 mg/ngày

+ Clozapine: 25 – 400 mg/ngày

- Các thuốc khác :

+ Chống trầm cảm: là thuốc được cân nhắc sử dụng khi bệnh nhân có các biểu hiện trầm cảm kèm theo, nhưng phải hết sức thận trọng khi lựa chọn liều lượng vì thuốc có thể làm hoạt hóa các hoang tưởng, ảo giác dẫn đến hành vi nguy hiểm như kích động đập phá, đánh người hay tự sát…
+Điều chỉnh khí sắc: thuốc có tác dụng tốt trong điều trị và dự phòng tái phát, nhất là ở những bệnh nhân TTPL có rối loạn cảm xúc kèm theo.

b/ Sốc điện (Electro Convulsive):

Đây là liệu pháp điều trị áp dụng cho bệnh nhân TTPL điều trị nội trú trong bệnh viện, tác dụng điều trị của liệu pháp này theo đánh giá của nhiều thầy thuốc lâm sàng là rất hiệu quả tuy nhiên cũng có nhiều tai biến nguy hiểm, do vậy chỉ định và chống chỉ định điều trị của phương pháp này rất chặt chẽ. Một số chỉ định chính như sau:

- Các trường hợp TTPL có ý tưởng, hành vi tự sát, toan tự sát, doạ tự sát.

- Các trường hợp TTPL kháng thuốc.

- Các trường hợp TTPL có kèm theo trạng thái kích động mạnh.

c/ Liệu pháp tâm lý, liệu pháp lao động tái thích ứng xã hội:

+ Liệu pháp tâm lý cá nhân có thể áp dụng song song với hóa dược, giải thích hợp lý, liệu pháp hành vi.

+ Liệu pháp tâm lý nhóm và tâm lý gia đình.

Những yêu cầu chung với cộng đồng xung quanh: phải có thái độ tâm lý tốt, thông cảm, tôn trọng người bệnh, tổ chức hệ thống mở làm cho người bệnh có cảm giác thoải mái, tin tưởng…

+ Liệu pháp lao động: là biện pháp không thể thiếu nhằm duy trì tính tự chủ, khắc phục các triệu chứng âm tính, chống lại sự mãn tính hóa.

d/ Một số lưu ý khi quản lý điều trị bệnh nhân tại gia đình:

+ Việc điều trị phải được duy trì thường xuyên, liên tục và lâu dài nhằm tránh tái phát.

+ Các thuốc điều trị đều có tác dụng phụ nhất định, có thể gây tử vong khi uống quá liều. Do vậy những người thân trong gia đình người bệnh phải tuân thủ chặt chẽ việc quản lý thuốc, cho người bệnh uống thuốc đúng theo đơn thuốc, mọi sự tăng , giảm liều thuốc,ngừng uống thuốc, đổi thuốc… đều phải được chỉ định bởi các bác sĩ chuyên khoa tâm thần.

Khi người bệnh uống thuốc quá liều, khi nghi ngờ người bệnh uống thuốc quá liều, gia đình phải thông báo kịp thời cho bác sĩ và khẩn trương đưa người bệnh đến cấp cứu tại cơ sở y tế gần nhất.

+ Khi có dấu hiệu tái phát, nhất là khi có các biểu hiện cấp tính như: kích động đập phá, từ chối ăn uống, ý tưởng hành vi tự sát, tự hủy hoại thân thể… người bệnh cần được đưa ngay tới các bệnh viện chuyên khoa tâm thần để quản lý và điều trị nội trú.

RỐI LOẠN TÂM THẦN THỰC TỔN

Khái niệm chung:

Rối loạn tâm thần thực tổn (organic mental disorders – RLTTTT) là các bệnh tâm thần hay các trạng thái rối loạn tâm thần có liên quan trực tiếp đến tổn thương thực thể ở tổ chức não do nhiều nguyên nhân khác nhau. Đó có thể là các bệnh của não (u não, viêm não, tai biến mạch máu não,…) nhưng phần nhiều là các bệnh ngoài não (nhiễm khuẩn huyết, nhiễm độc, chấn thương sọ não, các bệnh tim mạch các bệnh gan, thận, nội tiết,…).

Nguyên nhân:

Có nhiều nguyên nhân gây rối loạn tâm thần thực tổn. Tuỳ thuộc vào phương thức tiến triển, vào biểu hiện lâm sàng mà người ta thường chú ý đến các nguyên nhân sau đây:

1. Nhiễm độc:

Thường gặp nhiễm độc các loại thuốc dùng trong nông nghiệp, công nghiệp và trong Y học. Đáng chú ý là: các thuốc chống Parkinson, thuốc hướng thần, giảm đau chống động kinh, thuốc mê. rượu, kim loại nặng, các chất ma tuý,…

2. Nhiễm khuẩn:

Bao gồm 2 loại nhiễm khuẩn nội sọ và nhiễm khuẩn toàn thân, tiến triển cấp tính hoặc mạn tính.

2.1. Nhiễm khuẩn nội sọ: viêm màng não, viêm não, apxe não, giang mai não,…

2.2. Nhiễm khuẩn toàn thân: nhiễm khuẩn huyết, nhiễm khuẩn một số cơ quan nội tạng, nhiễm khuẩn đặc hiệu như lao, thương hàn, sốt rét,…

3. Rối loạn chuyển hoá:

Chứng tăng urê máu, suy gan, rối loạn nước - điện giải,…

4. Thiếu hoặc giảm oxy não:

Suy tim, rối loạn thông khí phổi (bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính),…

5. Các rối loạn mạch máu não:

Đột quỵ não, suy chức năng não, tăng huyết áp, viêm tắc mạch não, nhồi máu não,…

6. Chấn thương sọ não

Thường gặp do nhiều tác nhân khác nhau trong thời bình (tai nạn giao thông, tai nạn lao động,…) cũng như trong thời chiến (các vết thương do hoả khí, chấn thương do sóng nổ,…).

7. Rối loạn nội tiết:

Bệnh tuyến giáp, bệnh tuyến yên, bệnh tuyến thượng thận,…

8. Động kinh:

Thường gặp trong động kinh cơn lớn toàn thể, động kinh thái dương, động kinh tiến triển kéo dài,…

9. Các bệnh gây thoái hoá hệ thống thần kinh:

Alzheimer, Pick, Parkinson, Huntington,…

10. Các tổn thương choán chỗ:

U não, noã nước,…

11. Thiếu vitamin:

Vitamin B12, axit folic, vitamin B1, vitamin PP.

Phân loại:


Theo Bảng phân loại bệnh tật Quốc tế lần thứ 10 (ICD – 10), năm 1992, của tổ chức Y tế Thế giới thì RLTTTT được xếp vào nhóm: F00 – F09 “Các rối loạn tâm thần thực tổn bao gồm cả rối loạn tâm thần triệu chứng” (organic, including symptomatic, mental disorders).

Trong Bảng phân loại của Hội Tâm thần học Mỹ (DMS – IV), năm 1994, RLTTTT được xếp vào 2 nhóm chính:

* Những rối loạn mê sảng, mất trí và rối loạn trí nhớ và những rối loạn nhận thức khác.
* Những rối loạn có liên quan đến phụ thuộc hoặc lạm dụng các chất hướng tâm thần.

+ Mê sảng:

 Mê sảng trong các bệnh nói chung:

- Mê sảng trong nhiễm độc các chất hướng tâm thần.
- Mê sảng trong cai các chất hướng tâm thần.
- Mê sảng trong nhiều nguyên nhân khác nhau.

 Mê sảng không biệt định khác.

+ Mất trí:

Mất trí trong bệnh Alzheimer.

Mất trí trong các bệnh mạch máu não.

- Mất trí dai dẳng do sử dụng chất hướng tâm thần.
- Mất trí trong các nguyên nhân khác nhau.

Mất trí không biệt định khác.


+ Rối loạn trí nhớ:

Rối loạn trí nhớ trong các bệnh nói chung.

- Rối loạn trí nhớ dai dẳng khi sử dụng các chất hướng tâm thần.

 Chẩn đoán phân biệt:

Việc đánh giá chính xác RLTTTT là một thách thức to lớn không chỉ đối với các bác sỹ nội khoa nói chung mà còn cả đối với bác sỹ chuyên khoa tâm thần nói riêng. Điều quan trọng nhất là phải xác định được đâu là rối loạn tâm thần “thực tổn” và đâu là rối loạn “chức năng”. Đó là việc làm rất khó khăn. Tuy vậy, ở một chừng mực nào đó, người ta cũng xác định được một số những điểm chính cần phân biệt với các rối loạn thần kinh, hysteria, những triệu chứng của tâm thần phân liệt khởi phát, phản ứng thực tổn cấp tính và mạn tính không có loạn thần,v.v…

1. Phân biệt với các trạng thái không thực tổn:

Việc phân biệt với các trạng thái không thực tổn thường xác định nguyên nhân gây thực tổn là rất dễ dàng khi có rối loạn ý thức, rối loạn nhận thức, khi có những cơn động kinh hoặc khi có triệu chứng rối loạn tâm thần và các dấu hiệu khác kèm theo. Nhưng không phải tất cả là như vậy, một vài trường hợp có biểu hiện ảo giác, thay đổi cảm xúc hoặc các triệu chứng giống TTPL hoặc là các triệu chứng thực tổn không rõ nguyên nhân thì rất khó phân biệt như các triệu chứng: rối loạn cảm xúc, mê sảng, rối loạn giấc ngủ … gặp sau các chấn thương tâm lý. Người ta cũng có thể sử dụng một số xét nghiệm hỗ trợ cho chẩn đoán quyết định như EEG, test tâm lý, chụp cắt lớp vi tính sọ não (CT – Scaner), thậm chí có thể chụp cộng hưởng từ hạt nhân (MRI). Khoảng 10% số bệnh nhân thực tổn không có triệu chứng loạn thần.

1.1. Rối loạn thần kinh:

Là những rối loạn chức năng của não, biểu hiện bằng: rối loạn lo âu, trầm cảm, dễ bị kích thích, mất ngủ. Các triệu chứng này thường không đầy đủ, không thể nghĩ đến một loạn thần thực tổn được. Các triệu chứng ám ảnh, nhất là ám ảnh sợ (phobia) không đặc trưng cho một bệnh thực tổn nào và có khuynh hướng phát triển tâm căn.

1.2. Dạng hysteria phản ứng:

Cũng chỉ là phản ứng tạm thời, thường gặp là những phản ứng cấp tính, cảm xúc quá mức và có khuynh hướng biểu hiện triệu chứng hysteria rõ ràng. Trong trường hợp “mất trí giả”,cần phải khai thác trong tiền sử có đặc điểm nhân cách kiểu “hysteria” hay không. Có thể gặp giả liệt hoặc ngất lịm. Thường gặp 14% là chẩn đoán nhầm với hysteria và loạn thần kinh nói chung.

1.3. Triệu chứng giống tâm thần phân liệt:

Những triệu chứng này rất đa dạng, biểu hiện bằng các ảo giác, dễ nhầm với rối loạn thưch tổn não. Ngoài ra cũng hay gặp hoang tưởng cấp tính hoặc mạn tính. Điều quan trọng là phải khai thác tiền sử của bệnh tỉ mỉ và có hệ thống. Thường gặp 25% chẩn đoán nhầm với TTPL.

1.4. Các triệu chứng rối loạn trầm cảm:

Đặc biệt là các triệu chứng rối loạn trầm cảm không điển hình, và trầm cảm ẩn, biểu hiện bằng các rối loạn cơ thể phức tạp như rối loạn chức năng tim mạch, rối loạn hệ thống tiêu hoá, hệ thống hô hấp … Những trường hợp này cần phải khai thác kỹ về tiền sử của bệnh, đã điều trị bằng các loại thuốc chống trầm cảm nào chưa? Đã làm sốc điện lần nào chưa? Có tái diễn một triệu chứng nhiều lần hay không? Thường gặp 20% chẩn đoán nhầm là các rối loạn trầm cảm.

2. Phân biệt giữa phản ứng thực tổn cấp tính và mạn tính:

Trong thực hành lâm sàng cần lưu ý đến quá trình hình thành bệnh loạn thần thực tổn. Phản ứng thực tổn cấp tính được hình thành do rối loạn ý thức ở các mức độ khác nhau. Ngược lại, phản ứng thực tổn mạn tính có tính chất khác hẳn như: tiến triển chậm, các triệu chứng mờ nhạt, lẻ tẻ có ảo giác không rõ ràng hoặc là có hoang tưởng ở từng giai đoạn của bệnh và từ từ dẫn đến mất trí toàn bộ.

Rối loạn cấp tính của não hiếm hơn là rối loạn mạn tính. Thường gặp các triệu chứng như: rối loạn lo âu, rối loạn vận động với các ảo tưởng và ảo giác thị giác nổi bật. Sự thiếu sót trong nhận thức thực chất làm phong phú trên và làm rõ ràng thêm những mê mộng, trống rỗng, ngốc nghếch và suy nhược. Đó là đặc điểm của tư duỷ tong phản ứng thực tổn mạn tính.

3. Phân biệt giữa tổn thương lan toả và tổn thương khu trú:

Một số rối loạn tâm thần thực tổn thường gặp:

+ Rối loạn tâm thần do u não.

+ Rối loạn tâm thần do chấn thương sọ não.

+ Rối loạn tâm thần do nhiễm khuẩn.

+ Rối loạn tâm thần do giang mai:

  - Rối loạn tâm thần do giang mai não.
  - Rối loạn tâm thần do liệt tuần tiến.

+ Rối loạn tâm thần do nhiễm độc:

  - Nghiên rượu mạn tính.
  - Rối loạn tâm thần do rượu.
  - Nghiện thuốc phiện và các dẫn xuất có thuốc phiện.
  - Nghiên các thuốc hướng tâm thần.
  - Rối loạn tâm thần do nhiễm hoá chất dùng trong công nghiệp, nông nghiệp, thực phẩm,…

+ Rối loạn tâm thần do rối loạn nội tiết:

  - Rối loạn tâm thần trong các bệnh nội tiết.
  - Rối loạn tâm thần liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt.
  - Rối loạn tâm thần thời kỳ sinh đẻ.

+ Rối loạn tâm thần trong các bệnh mạch máu.

+ Rối loạn tâm thần do các rối loạn chuyển hoá và thiếu vitamin.

+ Rối loạn tâm thần trong các bệnh thực thể khác.

Tâm lý Trị liệu là gì?

Từ điển Wikipedia định nghĩa “Tâm lý trị liệu” (psychotherapy) là một hệ thống các kỹ thuật được thực hiện nhằm cải thiện sức khỏe tinh thần, cải thiện các vấn đề cảm xúc và hành vi của các cá nhân – những người được gọi là “thân chủ”. Những vấn đề này thường khiến cho con người cảm thấy khó khăn trong việc tự quản lý cuộc sống và đạt đến các mục đích mong muốn của mình. Tâm lý trị liệu nhắm đến giải quyết các vấn đề này, thông qua một số những phương pháp và kỹ thuật khác nhau; và chúng được thực hiện bởi những người gọi là “nhà trị liệu” (những chuyên viên được đào tạo về tâm lý trị liệu).

Các cuộc trị liệu thường bao gồm một (hoặc vài) nhà trị liệu và một (hoặc nhiều) thân chủ. Họ gặp nhau để bàn bạc, trao đổi, phát hiện ra những vấn đề gì mà thân chủ đang gặp phải và tìm kiếm cách thức nào để giải quyết chúng. Do những đề tài được bàn bạc trong các buổi trị liệu thường có tính chất nhạy cảm, nhà trị liệu phải có trách nhiệm (thường được pháp luật qui định) tôn trọng tính riêng tư và sự bảo mật cho thân chủ của mình.

Tâm lý trị liệu là phương pháp chữa trị các vấn đề tâm lý chủ yếu bằng phương pháp sử dụng lời nói hoặc các công cụ giao tiếp khác giữa nhà trị liệu và thân chủ. Ở nhiều quốc gia trên thế giới, những người làm tâm lý trị liệu phải được đào tạo, cấp bằng và cấp phép hành nghề. Nhà tâm lý trị liệu có thể xuất thân từ những chuyên ngành khác nhau: có thể là nhà tâm lý, bác sĩ tâm thần, nhà phân tâm, nhân viên xã hội, điều dưỡng viên tâm thần hoặc các chuyên viên khác đang làm việc trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tinh thần.

Trong quyển Tự Điển Bách Khoa Y Học Anh-Việt xuất bản năm 2005 (Chủ biên: GS Ngô Gia Hy – NXB Y Học Tp.HCM) có định nghĩa về tâm lý trị liệu (còn gọi là tâm lý liệu pháp) như sau: “Điều trị các vấn đề tâm lý, cảm xúc bằng các phương pháp tâm lý. Trong tâm lý liệu pháp, bệnh nhân trò chuyện với nhà trị liệu về các triệu chứng và các vấn đề mà họ mắc phải và thiết lập mối quan hệ giữa bệnh nhân và nhà trị liệu. Mục đích của quá trình này là giúp bệnh nhân tìm hiểu chính họ, tạo nên một cái nhìn mới về các mối quan hệ trong quá khứ và hiện tại, thay đổi những hành vi đã định hình của người bệnh” (Sách đã dẫn – tr.784).

Tâm lý trị liệu thực sự không phải là việc gì đó quá mới mẻ, xa lạ hoặc vượt quá tầm hiểu biết của tất cả chúng ta. Theo Alexander (Individual Psychotherapy; 1964):

Bất kỳ ai đang cố gắng cảm thông với một người bạn đang đau khổ hoặc cố trấn an một đứa trẻ đang hoảng sợ, thì cũng có thể xem người ấy đang thực hành tâm lý trị liệu. Người đó đang cố gắng vận dụng các phương thức tương tác về mặt tâm lý để bảo tồn trạng thái thăng bằng về mặt cảm xúc ở một người khác. Những cách thức thông thường này chủ yếu được dựa trên những sự hiểu biết có tính trực giác hơn là sự hiểu biết có tính khoa học. Khi bạn đang nói chuyện với ai đó đang có tâm trạng phiền muộn, bạn cũng có thể tự nhiên hiểu được tác dụng tốt của việc giúp cho người ấy giải tỏa cảm xúc. Với một người đang trong trạng thái hoảng sợ, quẫn trí, bạn cũng có thể (bằng sự hiểu biết có tính trực giác) mang đến cho người ấy sự hỗ trợ về mặt cảm xúc bằng những lời khuyên và một thái độ vững chãi để người ấy có thể tin tưởng nương tựa vào bạn. Bạn vốn cũng có thể đã biết rằng khi một người đang bị chìm ngập trong một tình huống có tính nguy hiểm, đáng sợ thì người ấy không thể sử dụng được lý trí của mình một cách hiệu quả, và bạn cần giúp anh ta ổn định bằng cách nâng đỡ về mặt tâm lý. Trong lúc nói chuyện với người ấy về hoàn cảnh khách quan mà anh ta đang đương đầu, bạn có thể cho anh ta ‘mượn’ công cụ lý trí của chính bạn để sử dụng. Khi làm tất cả những việc này, chúng ta đã thực hành một sự phối hợp giữa hai công việc có tính chất chữa trị, một là nâng đỡ (supportive), hai là thấu hiểu (insight).

Và Alexander đã định nghĩa tâm lý trị liệu “... không gì khác hơn ngoài việc áp dụng một cách có hệ thống, một cách có ý thức những phương pháp mà chúng ta áp dụng để ảnh hưởng lên những người sống xung quanh chúng ta trong cuộc sống thường ngày. Sự khác biệt quan trọng nhất là ở chỗ: nó không đơn thuần dựa trên những sự hiểu biết có tính trực giác mà thay vào đó là phải có sự thiết lập tốt các nguyên lý chung về tâm lý động học (psychodynamics)”. (Sđd. – tr.110).

Như vậy, khác với sự giúp đỡ từ một người thân quen thường gặp trong đời sống, “sự hỗ trợ trong tâm lý trị liệu được tiến hành bởi một nhà trị liệu được đào tạo chuyên nghiệp để có thể làm chức năng hỗ trợ người khác mà không nhất thiết phải trở nên gắn kết với thân chủ của mình về mặt đời sống riêng tư” (Goffman; 1962).

Tâm lý trị liệu, nói chung, nhắm đến việc làm tăng trưởng nhân cách một con người theo chiều hướng trưởng thành hơn, chín chắn hơn, và giúp người đó “tự hiện thực hóa bản thân mình”. Có thể tóm tắt một số mục tiêu chính của tâm lý trị liệu như sau:

1.    Gia tăng khả năng thấu hiểu bản thân của thân chủ
2.    Tìm kiếm giải pháp cho các xung đột
3.    Gia tăng sự tự chấp nhận bản thân của thân chủ
4.    Giúp thân chủ có những kỹ năng ứng phó hữu hiệu với những khó khăn
5.    Giúp thân chủ củng cố một cái Tôi vững mạnh, toàn vẹn và an toàn

James C. Coleman (Abnormal Psychology and Modern Life; 1950) nêu ra một số bước cơ bản trong tiến trình làm tâm lý trị liệu như sau:
-         Tạo một bầu không khí quan hệ có tính trị liệu
-         Giải tỏa cảm xúc của thân chủ
-         Tạo sự thấu hiểu nơi thân chủ
-         Giúp thân chủ định hình lại cảm xúc
-         Kết thúc trị liệu

Từ thời cổ đại, Hippocrates (ông tổ của y học phương Tây) đã từng kể ra ba loại công cụ chủ yếu mà một người thầy thuốc có thể sử dụng để chữa bệnh, đó là: cây cỏ, con dao và lời nói. Từ cây cỏ có thể chiết xuất ra các dược liệu, từ con dao có thể cắt bỏ đi những phần cơ thể bị bệnh mà không thể giữ lại được, và từ đó đã dần dần hình thành nên các chuyên ngành nội khoa và ngoại khoa trong y khoa hiện đại. Song chỉ khi có sự hình thành và phát triển của ngành tâm lý học hiện đại và ngành tâm thần học hiện đại, giá trị của việc sử dụng lời nói trong chữa bệnh mới được phát huy thành một phương pháp trị liệu thực sự khoa học. Phương thức trị liệu ấy được một số nhà tiên phong trong lĩnh vực này (như Sigmund Freud chẳng hạn) gọi là “talking cure” nghĩa là sự chữa trị bệnh bằng lời nói – mà về sau trở thành chuyên ngành tâm lý trị liệu với rất nhiều trường phái và khuynh hướng khác nhau.

Điều gì đã giúp tạo nên hiệu quả của phép chữa trị ấy? Nhiều yếu tố giúp tạo nên hiệu quả của tâm lý trị liệu đã được nghiên cứu và thừa nhận như bản chất mối quan hệ trị liệu (Goldstein; 1962), sự hữu dụng của lời nói (Bernstein; 1965), lòng tin của người bệnh (hoặc thân chủ) đối với nhà trị liệu (Frank; 1961). Tuy vậy, tác động thực sự của tâm lý trị liệu vẫn còn là điều gây nhiều tranh cãi mãi cho đến hiện nay. Liệu rằng các cách thức chữa trị bằng lời nói có thực sự chữa trị được các chứng rối loạn tâm trí?

Trong thực tế, việc tranh luận về hiệu quả của tâm lý trị liệu phần lớn xảy ra trong giới chuyên môn, ngay cả giữa những người thực hành tâm lý trị liệu thuộc các trường phái và xu hướng khác nhau. Nhưng có lẽ sẽ thích hợp hơn nếu chúng ta xem xét tác động của tâm lý trị liệu từ góc nhìn và vị thế của người bệnh hoặc thân chủ. Thân chủ không “nhìn thấy” những học thuyết và lý luận của nhà trị liệu, mà “nhìn vào” hành vi và thái độ ứng xử của nhà trị liệu. Và vì thế việc ai là nhà trị liệu trở thành điều có khi còn quan trọng hơn cả việc nhà trị liệu áp dụng học thuyết nào, phương pháp nào... Thực vậy, nhà trị liệu là người ở vào vị thế có ảnh hưởng lên trên thân chủ, mà nếu không có sự ảnh hưởng này, việc trị liệu sẽ không còn giá trị. Do vậy tâm lý trị liệu có thể được xem là “nghệ thuật tạo sự khích lệ, và kế đó là sử dụng tầm ảnh hưởng của nhà trị liệu lên thân chủ của mình một cách thuần thục” (Micheal Franz Basch).

Mặt khác, người ta khó có thể xác định được hiệu quả của tâm lý trị liệu, mà thay vào đó chỉ có thể xem xét được hiệu năng của nó, tức là việc tâm lý trị liệu tạo khả năng để có thể đạt đến một kết quả mong muốn. Hay nói theo cách của Gregory Bateson: tâm lý trị liệu “cung cấp một sự khác biệt để tạo nên một sự khác biệt mới”. Nhà tâm lý trị liệu không giúp thay đổi những sự kiện trong thực tế khách quan, mà nhắm đến việc thay đổi những gì xảy ra trong thực tại chủ quan của người bệnh hoặc thân chủ. Nói một cách hình tượng thì “nhà trị liệu mang thân chủ đến một điểm mà ở đó họ không còn cảm thấy tuyệt vọng nữa” (Martin Seligman; 1975).

Có một sự mặc định trong việc hiểu rằng: nhà tâm lý trị liệu (psychotherapist) thì làm việc với những người bệnh, những người bị rối loạn chức năng của bộ máy tâm trí, còn các chuyên viên tư vấn (counselor) thì làm công việc giúp đỡ những người đang gặp các vấn đề khó khăn trong cuộc sống. Tuy nhiên, cả hai công việc tư vấn và trị liệu tâm lý đều cùng chia sẻ chung những học thuyết, lý luận, kỹ năng và phương pháp. Theo Jessie Bernard (1969), “tư vấn tâm lý giúp con người của thân chủ trở lại hòa hợp với số phận của họ, điều chỉnh bản thân họ khi sống đối mặt với những thất bại và đau khổ. Nhưng nếu những thân chủ ấy có những ứng xử không tuân theo các chuẩn mực hoặc có những rối loạn tâm trí nghiêm trọng, thì việc giúp đỡ những thân chủ ấy sẽ thuộc trách nhiệm của nhà tâm lý trị liệu”.

Theo James Bugental, Ph.D.(www.psychotherapy.net):

Tâm lý trị liệu không làm việc trên những điều bạn suy nghĩ. Đó không hẳn là việc chữa lành một căn bệnh. Đó không phải là sự hướng dẫn của một nhà thông thái. Đó không phải là sự chia sẻ giữa hai người bạn thân. Đó cũng không phải là một quá trình học hỏi những kiến thức.

Tâm lý trị liệu không liên quan đến những điều bạn suy nghĩ. Đó là sự làm việc trên cách thức mà bạn suy nghĩ. Nó làm cho bạn chú ý đến cách thức mà bạn suy nghĩ. Nó phân biệt rõ giữa những điều bạn đang suy nghĩ đến và cách thức mà bạn thực hiện sự suy nghĩ ấy. Tâm lý trị liệu ít quan tâm đến việc tìm kiếm những nguyên nhân để giải thích những gì bạn đang làm, nó quan tâm đến việc khám phá ý nghĩa từ những việc mà bạn đang làm.

Tâm lý trị liệu không làm việc trên những điều bạn nghĩ. Nó liên quan đến cách thức mà bạn sống với những tình cảm của mình. Nó liên quan đến những quan điểm bạn áp dụng vào trong những mối quan hệ của bạn với những người xung quanh. Nó liên quan đến những điều bạn muốn đạt đến trong đời và cách thức mà bạn cố gắng để đạt đến những mục đích ấy. Nó liên quan đến các nguồn lực giúp đỡ để bạn có thể tìm thấy những tiềm năng thay đổi trong con người bạn.

Tâm lý trị liệu không liên quan đến điều bạn suy nghĩ là gì, nó liên quan đến cách thức mà bạn suy nghĩ...
                                                                            
(Theo tamlytrilieu.com)

NHÀ TÂM LÝ HỌC NHÂN CÁCH VÀ TÂM LÝ HỌC XÃ HỘI

Những người giỏi nhất và tỏa sáng nhất -phạm phải những quyết định ngớ ngẩn và phá sản, chỉ bởi họ không chịu chia sẽ những thông tin trọng yếu cho nhau.
Vì sao con người trở thành những kẻ sát nhân điên cuồng ? Vì sao có những người ôm khư khư thành kiến về chủng tộc trong suốt cuộc đời, trong khi những người khác thay thế hận thù bằng lòng bao dung và sự tôn trọng ? Làm việc nhóm và hoạt động độc lập - lúc nào con người sẽ đạt hiệu suất cao nhất ?

Nếu bạn say mê với những câu hỏi này, bạn nên suy nghĩ về việc trở thành một nhà tâm lý nhân cách học hoặc tâm lý xã hội học.



Đối tượng nghiên cứu
Điều gì làm nên nhân cách của một người ? Làm thế nào con người suy nghĩ, tác động đến và liên kết với người khác ? Đó là những lĩnh vực sâu rộng mà các nhà tâm lý học luôn cố gắng tìm hiểu. Bằng cách thám hiểm những sức mạnh nội tâm của con người - những nét cá tính, quan điểm , mục tiêu và động cơ của một người - những nhà tâm lý học tìm kiếm và làm sáng tỏ thế giới nội tâm và cái tôi xã hội của con người.

Những chủ đề yêu thích của họ có thể là thành kiến xã hội, những cảm xúc lãng mạn, tín ngưỡng, tình bạn, sự giúp đỡ , gây hấn ,sự tuân phục và tác động của nhóm.

Tâm lý học nhân cách lấy những khía cạnh của cá nhân làm tiêu điểm.  Tâm lý học xã hội nghiên cứu về những hiện tượng xã hội. Tuy nhiên chúng là hai khía cạnh của một tổng thể và đan xen mật thiết với nhau trong việc giải đáp hành vi con người.

Tiếp cận hệ thống
Ở một mức độ nào đó, tất cả chúng ta đều là nhà tâm lý học, quan sát thế giới và cố gắng tìm hiểu vì sao người khác cư xử, suy nghĩ và cảm nhận như cách họ đang làm. Thật khó để giải quyết hậu quả của vụ tắm máu sân trường ở trên, nhưng từ đó giả thuyết trả lời cho nhiều câu hỏi đã được hình thành. Ngay cả khi chạm phải những tình huống ít xúc động nhất , chúng ta vẫn tự hỏi : Vì sao người đó cười với mình ? Phải nói gì để ông hàng xóm giữ con mèo khỏi xe của mình ?

Điều khác biệt là những nhà tâm lý học đào sâu và nghiên cứu sâu sắc hơn những vấn đề này, từ đó họ có thể trả lời những câu hỏi trên một cách sâu sắc và đầy đủ. Nếu cuộc sống cá nhân và nhóm xã hội đầy rẫy những điều bí ẩn, thì nhà tâm lý học chính là những thám tử điều tra và giải đáp những bí ẩn ấy.

Quan sát một cách hệ thống và mô tả hành động của con người, đo lường và điều khiển các trường hợp của tình huống xã hội, họ sử dụng phương pháp khoa học để tìm ra câu trả lời cho những câu hỏi mà chúng ta chạm trán hàng ngày.

Tâm lý học truyền thống và tâm lý học thực dụng
Các nhà khoa học trên mọi lĩnh vực đều được chia ra hai lĩnh vực : nghiên cứu cơ sở và nghiên cứu ứng dụng.  Những nhà tâm lý học theo hướng nghiên cứu truyền thống có khuynh hướng lấy tiêu điểm là những câu hỏi cơ bản về con người và những suy nghĩ , cảm giác và hành vi của họ. Những đặc điểm của nhân cách hình thành như thế nào ? Cơ chế để chúng ta yêu và ghét một người là gì ? Vì sao nam giới và nữ giới có những nét tâm lý chung, và có những nét riêng ?  Chúng ta được giáo dục bằng cách nào và tác động đến người khác như thế nào ? Bằng cách soi rọi cái bản chất của con người,họ nắm câu trả lời trong lòng bàn tay .

Tâm lý học ứng dụng nghiên cứu một khái cạnh nhỏ hơn của cuộc sống như sức khỏe, kinh doanh , môi trường, giáo dục , chính trị và luật pháp. Bằng cách sử dụng những học thuyết tâm lý và ứng dụng chúng vào một khái cạnh cụ thể , tâm lý học ứng dụng làm nổi bậc và phát triển những phẩm chất hay năng lực nào đó của con người. Ví dụ như trong kinh doanh, tâm lý ứng dụng được dùng để phác họa, quyết định phương tiện và sắp xếp chương trình để tạo hiệu suất làm việc tốt nhất. Chúng còn giúp người bệnh ung thư đương đầu với nghịch cảnh của họ dễ dàng hơn hay giúp người dân sử dụng phương tiện công công nhiều hơn , từ đó làm giảm ô nhiễm môi trường. Tâm lý ứng dụng có thể giảm xung đột nhóm , dù là trong một lớp học hay trong cuộc đàm phán quốc tế, giúp máy tính và các công nghệ khác trở nên thân thiện hơn. Bộ môn nghiên cứu này cũng đóng góp thêm nhiều thành tựu khác giúp xã hội tốt đẹp hơn

Tất nhiên, ranh giới giữa hai lĩnh vực này thường rất mờ nhạt. Người ta có thể sự dụng những nghiên cứu cơ sở trong phạm vi của ứng dụng, và khám phá được từ những nghiên cứu đó sẽ làm phong phú thêm cho bộ môn. Việc phần lớn các nhà tâm lý học có hứng thú với cả hai lĩnh vực nêu trên là hoàn toàn hợp lý.
Để trở thành một nhà Tâm lý học
Một vài nhà tâm lý học chỉ lấy bằng cử nhân (M.A), nhưng hầu hết họ đều theo đuổi chức vị tiến sĩ (Ph.D). Ở một vài lĩnh vực, bạn chỉ cần bằng cử nhân. Thế nhưng, dù sao đi nữa , bằng tiến sĩ vẫn có thế mạnh hơn và thật sự cần thiết nếu bạn muốn là một giáo sư giảng dạy ở bậc đại học.

Những chương trình tiến sĩ tâm lý học đòi hỏi 4 đến 5 năm để học tập và huấn luyện. Hầu hết chúng đều có một mục đích : trang bị cho sinh viên để họ trở thành những nhà nghiên cứu độc lập và chuyên nghiệp. Như một tất yếu, những chương trình này dạy cho sinh viên những nhận thức nền tảng và kiến thức về ngành học , phát triển khả năng của họ trong tư duy lý tính. Ngoài ra, sinh viên còn được huấn luyện phương pháp luận nghiên cứu, phân tích dữ liệu, làm nghiên cứu khoa học và thuyết trình chúng.
Quỳnh Trang ( dịch từ spsp.org )

_________________________________________________________________

Bạn từng có vấn đề về sức khỏe như Huyết áp, tiểu đường, tim mạch, sỏi thận – sỏi mật, gút, viêm loét, thần kinh tọa, tai biến, ung thư …

Bạn từng mệt mỏi vì điều trị tại các Chuyên khoa- Bệnh viện lớn, Tốn rất nhiều tiền, dùng thuốc Đông – Tây Y nhưng kết quả vẫn không được như mong đợi.

Hãy một lần thử với dòng sản phẩm NONI JUICE của tập đoàn Quốc Tế TAHITIAN NONI INTERNATIONAL của Mỹ.

LÀM THẾ NÀO ĐỂ BẠN CÓ MỘT SỨC KHỎE TUYỆT HẢO VÀ KHÔNG BAO GIỜ CÒN PHẢI LO LẮNG VỀ BỆNH TẬT CỦA MÌNH NỮA – SẢN PHẨM NONI JUICE CỦA TẬP ĐOÀN QUỐC TẾ TAHITIAN NONI SẼ GIÚP ĐƯỢC CHO BẠN. Mời vào xem ngay: http://www.BiQuyetSucKhoeTuyetHao.com

HỘI CHỨNG " CÁ TÍNH MẤP MÉ BỜ VỰC THẲM"

Mặc dù không phải là người đầu tiên mắc phải, nhưng vì là một nhân vật nổi tiếng nên cái tên Britney Spears sau đó đã trở thành tên gọi của chính hội chứng tâm lý phức tạp mà cô đã mắc phải.
Câu chuyện của siêu sao
Tuổi thơ của Britney Spears là một chuỗi thời gian dài chứng kiến mối quan hệ bệnh hoạn của cha mẹ và sau đó là cuộc li hôn ồn ào của họ. Bà ngoại tự tử, còn người mẹ đẻ thì đẩy con gái vào thế giới làm tiền giải trí khi con mới đến tuổi vị thành niên. Thế nên, không có gì ngạc nhiên khi người ta biết rằng, nữ hoàng nhạc pop luôn có những ý nghĩ tự vẫn và bị trầm cảm nặng nề. Một phóng viên của hãng tin Mỹ AP khẳng định rằng, hãng tin này luôn chuẩn bị sẵn cáo phó cho siêu sao vì cô có thể sẽ tự kết liễu cuộc đời mình bất cứ lúc nào!


Nữ hoàng nhạc pop người Mỹ Britney Spears
Ca sĩ Britney Spears.
Hồ sơ bệnh án của Britney Spears có ghi chép lại một câu chuyện như sau: một lần Britney Spears mời một số thợ săn ảnh (paparazzi) đến dự bữa đại tiệc tại dinh thự của mình với sâm banh chảy như suối và vui vẻ để cho họ tha hồ tác nghiệp. Đang trong bữa tiệc bỗng nhiên người đẹp biến mất trong giây lát để rồi sau đó xuất hiện trở lại với tâm trạng hoàn toàn trái ngược. Cô tỏ ra hết sức ngạc nhiên với những gì đang diễn ra tại nhà mình. Cô văng tục và xua đuổi mọi người khiến cho nhiều tờ báo sau đó đã viết: "siêu sao nhạc pop lên cơn điên". Còn tạp chí lá cải US cũng mô tả hành động kỳ quặc khác của Britney Spears. Người đẹp đến trường để đón con. Thế nhưng bản thân lại không biết đứa nào là con của mình. Lúc bước ra khỏi xe, Britney Spears túm lấy một người đàn bà xa lạ đang đi trên đường và đề nghị được kết bạn (?!). Cô trở thành nhân vật điển hình của hội chứng rối loạn tâm lý có tên "cá tính mấp mé vực thẳm" sau rất nhiều lần hành động kỳ quặc như vậy.

Một căn bệnh không mới
Hội chứng rối loạn tính cách không phải là chứng bệnh mới. Một số loại rối loạn cá tính từ lâu đã được cho là nguyên nhân nảy sinh tài năng xuất chúng và khả năng sáng tạo phi thường. Các chuyên gia tâm lý ngờ rằng, các nhà bác học, nhà văn, học sĩ nổi tiếng như Vincent, Van Gogh, Albert Einstein, Rmily Dickinson và Isac Newton đều là nạn nhân của hội chứng này. Những nghiên cứu nhằm kiểm tra chuyện gì diễn ra trong não bộ những cá nhân bị những rối loạn dạng này trong thời gian thực hiện các bài tập đòi hỏi tư duy sáng tạo cho thấy: bán cầu não phải của họ hoạt động tích cực khác thường. Dường như họ bẩm sinh có năng khiếu phối hợp tốt hơn hoạt động giữa hai bán cầu não vì thế mà họ đạt được những thành tựu siêu việt. Nhưng điều này cũng là nguyên nhân khiến nảy sinh những vấn đề mặt trái. Vì thế, người ta mới nói: có tài thường đi liền với có tật!
Nhiều người là nạn nhân
Kết quả công trình nghiên cứu tiến hành với sự tham gia của 43.000 người Mỹ trưởng thành cho thấy, khoảng 15% dân số bị rối loạn cá tính. "Đây không hẳn là các bệnh về tâm lý hay bệnh về rối loạn thần kinh chức năng trung ương mà là một dạng nằm giữa hai loại này - một dạng cá tính chưa trưởng thành, thường thấy ở giai đoạn trẻ em hay thậm chí trẻ sơ sinh" - bác sĩ Eva Niezgoda, Giám đốc Trung tâm điều trị các rối loạn cá tính Cracop Ba Lan cho biết. Đông đảo nhất trong số nạn nhân rối loạn cá tính (khoảng 8%) có cái gọi là cá tính ám ảnh cưỡng bức. Biểu hiện đặc trưng là sự quan tâm thái quá đến nền nếp trật tự, thiếu sự cởi mở và mềm dẻo trong quan hệ với người khác. Trái lại, thái độ lạnh lùng, thù nghịch, đa nghi, mẫn cảm thái quá với sự phê phán và không có lòng vị tha là biểu hiện của những rối loạn cá tính hoang tưởng. Hội chứng này gắn với 4,4% dân số. Và trên 3,5% dân số là nạn nhân của hội chứng bệnh lý nhân cách.

Rối loạn tâm lý nghiêm trọng nhất là hội chứng "cá tính mấp mé vực thẳm". Kết quả những nghiên cứu do tổ chức National Epidemiologic Survey on Alcohol and Related Conditions (NESARC) thực hiện cho thấy, có khoảng 2% dân số là nạn nhân của chứng bệnh này. Bệnh nhân thường xuyên phải vật lộn với tình trạng dao động tính khí cực đoan, mẫn cảm thái quá, dễ bùng phát nổi giận, ngang nhiên thể hiện lòng hận thù và hung hãn. So với số đông họ cũng có thiên hướng lạm dụng rượu, ma túy và cờ bạc mạnh hơn. "Thực tế, đa số nạn nhân không biết rằng, bản thân họ bị rối loạn cá tính. Họ thường đổ lỗi cho người khác về những rắc rối của bản thân. Không chấp nhận người khác phê phán mình, song dễ dàng làm tổn thương người khác. Họ làm điều đó đặc biệt thâm độc, bởi bản thân biết rõ, cách đánh thế nào để trúng vào điểm yếu nhất của đối thủ" - bác sĩ tâm lý trị liệu Bartosz Puk cho biết.

Nguồn gốc của tình trạng rối loạn tính cách có thể là những chấn thương tâm lý từ thời thơ ấu, những biến cố đau buồn lặp lại nhiều lần như trường hợp Britney Spears. Theo bác sĩ Drew Pinsky, với cá tính mấp mé vực thẳm và dạng rối loạn cá tính khác, môi trường sống có ảnh hưởng mạnh nhất (thậm chí mang tính quyết định hơn hẳn yếu tố gen di truyền). Việc chữa trị cần được tiến hành không giới hạn trong phạm vi các chuyên gia tâm lý và bác sĩ tâm lý trị liệu. Bệnh nhân cần được sống cùng đối tượng giống mình. Học cách chấp nhận sự thật của bản thân là việc khó nhất đối với người bệnh. Họ phải tự dần dần khám phá hình ảnh thật của mình - hình ảnh mà bản thân vẫn làm sai lệch. Họ cũng cần học cách phát triển tính cách. Liệu pháp như thế phải được kéo dài nhiều năm và không có gì đảm bảo rằng, nạn nhân bị rối loạn cá tính trầm trọng sẽ được chữa khỏi!

Khoahoc.com.vn

BÌNH YÊN MONG GIẤC MỘNG LÀNH...

Theo thống kê, có tới 80% người lớn bị những cơn ác mộng mãn tính làm cho họ thức giấc trong sợ hãi ít nhất 1 lần/tuần. Ác mộng có thể là về bất kỳ thứ gì, nhưng nhìn chung tất cả đều gây nên sự sợ hãi, giận dữ, hổ thẹn, hoặc cảm xúc tiêu cực khác. Trong nhiều trường hợp, ác mộng mãn tính thường bị thúc đẩy bởi san chấn tâm thần, chẳng hạn mơ bị vùi lấp trong rối loạn stress sau chấn thương, sau các tại nạn, thảm họa môi trường và nhiều thử thách khác. Một số các nguyên nhân khác của việc thường xuyên bị ác mộng bao gồm lạm dụng rượu, đang sử dụng một số loại thuốc (kể cả việc mới vừa dùng thuốc chống trầm cảm), và rối loạn giấc ngủ, bao gồm cả rối loạn thông trí được biết đến với tên "cơn ngưng thở lúc ngủ". Có rất nhiều người phải chịu đựng nhiều năm  vì những cơn ngủ bị đánh thức và cảm giác sợ hãi dai dẳng do ác mộng và họ cho rằng không bao giờ có phương pháp hữu hiệu đế giúp đỡ họ. Có người cho rằng: "Người ta bị ác mộng, tôi cũng vậy, và nó đã là vậy rồi. Tôi đã không nghĩ rằng nó là vấn đề có thể được chữa trị".

Ảnh minh họa
Một trong những lựa chọn điều trị là liệu pháp tâm lý có tên "Động học tâm lý", trong đó bệnh nhân được gặp gỡ thường xuyên với một bác sĩ điều trị để thảo thuận về các cơn ác mộng của họ và đề cập đến bất kỳ vấn đề cảm xúc nào có thể gây nên các cơn ác mộng. Phương pháp khác là uống prazosin, một loại thuốc thường được kê toa điều trị tăng huyết áp; các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, loại thuốc này có hiệu quả chống lại cơn ác mộng ở những người bị rối loạn stress sau chấn thương.

Phương pháp mà Levy sử dụng, được gọi là "liệu pháp gợi nhớ lại trí tưởng tượng" (IRT), phát triển từ nghiên cứu thực hiện vào những năm 1990. Phương pháp này càng tỏ ra hữu hiệu kể từ năm 2001. "Các nghiên cứu chỉ ra 70 - 80% bệnh nhân điều trị thử với IRT có kết quả đáng kể," theo lời của TS-BS. Barry Krakow, Giám đốc Trung tâm Điều trị ác mộng Maimonides ở Albuquerque, New Mexico, Hoa Kỳ. Ông là một trong những nhà nghiên cứu JAMA và tác giả của 4 cuốn sách y học về giấc ngủ, trong đó có cuốn Sound Sleep và Sound Mind.

Phương pháp IRT dễ dàng học và thực hành một cách đáng ngạc nhiên. Nhưng cũng có cảnh báo rằng, những người mắc chứng rối loạn stress sau chấn thương hoặc một số bệnh lý tâm thần khác nên thực hành kỹ thuật này với sự giúp đỡ của bác sĩ hoặc nhà trị liệu.

Ba bước giúp kiểm soát cơn ác mộng, theo mô tả của Krakow và Harris,IRT:

1. Ghi nhận một đoạn ngắn trong ác mộng gần đây. Nếu cơn ác mộng gần đây nhất quá khủng khiếp đối với bạn, chọn một cơn khác.

2. Suy nghị cách để có thể thay đổi cơn ác mộng. Krakow từ chối nói cho bệnh nhân của ông biết làm như thế nào để thay đổi mà khuyến khích họ dựa vào trực giác để tạo một thay đổi thích hợp.

3. Bỏ ra vài phút mỗi ngày để tưởng tượng về phiên bản đã được thay đổi của cơn ác mộng. Đơn giản là vẽ ra một bức tranh tâm thần của phiên bản mới này.

Thái Duy
Nguồn: Doanh Nhân


_________________________________________________________________

Bạn từng có vấn đề về sức khỏe như Huyết áp, tiểu đường, tim mạch, sỏi thận – sỏi mật, gút, viêm loét, thần kinh tọa, tai biến, ung thư …

Bạn từng mệt mỏi vì điều trị tại các Chuyên khoa- Bệnh viện lớn, Tốn rất nhiều tiền, dùng thuốc Đông – Tây Y nhưng kết quả vẫn không được như mong đợi.

Hãy một lần thử với dòng sản phẩm NONI JUICE của tập đoàn Quốc Tế TAHITIAN NONI INTERNATIONAL của Mỹ.

LÀM THẾ NÀO ĐỂ BẠN CÓ MỘT SỨC KHỎE TUYỆT HẢO VÀ KHÔNG BAO GIỜ CÒN PHẢI LO LẮNG VỀ BỆNH TẬT CỦA MÌNH NỮA – SẢN PHẨM NONI JUICE CỦA TẬP ĐOÀN QUỐC TẾ TAHITIAN NONI SẼ GIÚP ĐƯỢC CHO BẠN. Mời vào xem ngay: http://www.BiQuyetSucKhoeTuyetHao.com

Người mắc tâm bệnh: Làm sao trị, trị ở đâu?


 
Chán đời! Hoang mang trước khó khăn, thử thách của cuộc sống! Im lặng, nín nhịn hay bùng phát thành bạo hành... Các nhà tâm lý gọi đó là tâm bệnh. Ngày nay, khoa học tâm lý trị liệu có thể giúp bạn tháo gỡ tâm bệnh
Với sự phát triển của ngành khoa học tâm lý trị liệu, người ta không cần đè nén nỗi lòng mình trước những ẩn ức dễ gặp phải trong cuộc sống đời thường, bởi đã có những nhà chuyên môn trị tâm bệnh.
Ngành học chuyên môn để trị tâm bệnh được gọi là “Tâm lý trị liệu”.
Chỉ có điều, “Tâm lý trị liệu” chỉ mới manh nha phát triển ở Việt Nam.
  • Tâm lý trị liệu... trị tâm bệnh
Bề ngoài, X, 16 tuổi là một nữ sinh thuộc dạng “con ngoan, trò giỏi”. Em sống trong một đại gia đình gồm có bà, ba mẹ, cậu, dì, em trai và cô em họ. Trong cả dòng họ, X. là người duy nhất học đến phổ thông trung học và học giỏi. X. chỉ sống với gia đình và được mọi người yêu thương. Ngoài ra, em ít có bạn bè và những mối quan hệ giao tiếp khác ngoài xã hội.

Tưởng không có gì để nói, nhưng rồi mọi chuyện lại đâm ra rắc rối... Bỗng nhiên, ở X. xuất hiện những triệu chứng như buồn bã, chán nản, biếng ăn. Những triệu chứng này dần dà hóa ra nặng hơn đến độ X. không thể học thuộc bài. Mỗi khi học, X. lại bị nhức đầu, buồn nôn... Thấy vậy, gia đình bèn đưa X. đến phòng khám tâm thần rồi phòng Tâm lý IFC (Individual & Family Counseling).
Tại IFC, X. được tham vấn và trị liệu tâm lý 1 lần/tuần. Tại đây, các chuyên viên tham vấn đã sử dụng những kỹ năng chuyên môn cùng với sự hướng dẩn của bà Libby Zinman-Schwartz, nhà tâm lý học người Mỹ (hiện đang giúp IFC đào tạo các chuyên viên tham vấn tâm lý) để chẩn đoán và đi đến nhận dạng những vấn đề mà X. gặp phải.
Từng bước một, thông qua giao tiếp tin cậy với người tham vấn, X đã dần dần bộc lộ được mình. Thì ra, do được xem là “con ngoan, trò giỏi” nên X thường được lấy ra “làm gương” cho cô em họ. Vậy là, mỗi khi cô em họ bị la mắng, X lại mặc cảm cho rằng mình có lỗi. Mặt khác, do được mọi người trong gia đình quan tâm, chăm sóc quá mức nên đâm ra có tác động ngược: X luôn cảm thấy mình phải có trách nhiệm với mọi người trong gia đình và tự ràng buộc mình phải làm hài lòng mọi người một cách quá mức.
Đi đôi với sự dằn vặt này, X lại tự mâu thuẫn khi không muốn trở thành người lớn do sợ là, khi thành người lớn thì sẽ không còn ai yêu thương mình như hiện tại nữa...
Khi không thể tâm sự với ai về những vấn đề gặp phải, những giằng xé về nội tâm của cô gái mới lớn này dữ dội đến nỗi, cô đâm ra phát bệnh...
  • Trị liệu tâm lý: một phương pháp mới trị tâm bệnh
Các nhà Tâm lý đang trao đổi với nhau tại Hội thảo Trị liệu tâm lý lần I, TP.HCM
Trường hợp như X. gặp phải, không phải là hiếm... Một cô gái khác đã 26 tuổi đến IFC thoạt tiên, chỉ là do cảm thấy căng thẳng với đồng nghiệp nơi sở làm.
Thế nhưng, qua nhiều buổi trị liệu tâm lý, cô gái này đã bộc lộ được những ẩn ức sâu kín trong cuộc sống của mình (bị lạm dụng tình dục từ nhỏ), để rồi sau trị liệu, cô đã can đảm và tự tin đương đầu với những rắc rối xung quanh hoàn cảnh của mình
Điều may mắn là X, hay cô gái nọ đã tìm được đúng “thuốc”... Đó là “trị liệu tâm lý” do các chuyên viên tâm lý với những kỹ năng chuyên môn thuần thục tiến hành.
Theo anh Ngô Minh Uy, Phòng tham vấn tâm lý IFC, “Tham vấn và trị liệu tâm lý không nên ngộ nhận là cho người mắc tâm bệnh một lời khuyên, một sự giáo huấn. Điều quan trọng là, giúp người bệnh tự nhận ra bản ngã của mình, bộc lộ sự thật về mình. Tiếp đó, qua các bài tập chuyên môn dưới sự hướng dẫn của các nhà tâm lý, người mắc tâm bệnh dần dần thay đổi quan điểm sống, chấp nhận hoàn cảnh thực tế mà mình đã gặp phải và mạnh dạn ứng phó với hoàn cảnh một cách tự tin hơn...”
Nhưng vấn đề quan trọng là làm thế nào để X có thể bộc lộ ra được những cảm xúc thật của mình? Theo cô Huỳnh Thị Hoài Như, phòng tham vấn tâm lý IFC, đó là một vấn đề rất khó khăn và đòi hỏi những kỹ năng chuyên môn cần thiết của nhà tâm lý.
Để vực dậy tâm lý hụt hẫng nơi người mắc tâm bệnh (hay “thân chủ”, theo cách gọi của chuyên viên “tâm lý trị liệu), người ta ấn định nghiêm ngặt thời gian làm việc với thân chủ vào mỗi buổi tham vấn. Ví dụ, sau khi thoả thuận với thân chủ, mỗi buổi tham vấn là 30 phút thì thân chủ không được đến trễ. Nếu đến trễ, thời gian thân chủ đến trễ sẽ bị trừ vào thời gian làm việc. Điều này buộc thân chủ phải có trách nhiệm trong suốt quá trình trị liệu. Đồng thời, qua đó, tạo cho họ thói quen quản lý cuộc sống của mình chớ không được duy trì tâm lý buông xuôi, chán nản.
Điểm khác biệt trong việc thực hiện trị liệu tâm lý ở IFC so với nhiều nơi làm chức năng tư vấn tâm lý hiện nay là, nhà tham vấn không làm giúp và cũng không giải quyết dùm thân chủ các vấn đề của họ. Nhà tham vấn chỉ giúp “gợi mở” cùng với thông qua các liệu pháp tâm lý để giúp thân chủ giải quyết các vấn đề của họ
Bà Libby Zinman-Schwartz, người đã nhiều năm nghiên cứu về vấn đề trị liệu tâm lý nhận xét: "Ở phương Tây, một cá nhân khoẻ mạnh là một người có thể bộc lộ tất cả những cảm xúc của mình một an toàn. Thế nhưng ở Việt Nam thì lại có cách nhìn nhận khác về vấn đề này ".


Tâm lý trị liệu: Chỉ mới bắt đầu

Đồng tình với bà Libby, TS Đinh Phương Duy, Hội Tâm lý Giáo dục TP.HCM cũng nhận xét: Gần đây, nhu cầu về mặt trị liệu tâm lý đã có nhiều. Đặc biệt trong cuộc sống thực tế, chúng ta không có thói quen bộc lộ cảm xúc. Đôi khi muốn giữ cái gì đó cho riêng mình. Sợ rằng nói ra 1 điều gì đó sẽ bị người khác đánh giá, phê phán...
Còn GS-TS Trần Tuấn Lộ, trưởng Khoa Tâm lý trường ĐH Văn Hiến xác nhận một thực tế, các nhà trường, bệnh viên, công ty xí nghiệp đều cần có những chuyên gia tâm lý trị liệu. Nhưng hiện nay, mảng này đang còn bỏ ngỏ. Chính vì thế ngày càng nhiều học sinh tìm đến cái chết, công nhân trong các công ty, xí nghiệp có biểu hiện phản ứng "xếp"...
Thế nhưng, vấn đề đặt ra là, người mắc tâm bệnh có thể đến đâu để trị… vẫn còn là điều băn khoăn lớn ở những người làm công tác liên quan đến chuyên ngành tâm lý.
Không ngần ngại, TS Đinh Phương Duy nêu rõ thực trạng khẳng định: "Ngành tâm lý trị liệu ở VN mình nói chung và TP.HCM nói riêng chưa có gì cả. Về mặt con người, nhân lực, những người có trình độ chỉ đếm trên đầu một ngón tay. Chỉ có vài người được đào tạo ở nước ngoài. Chúng ta mới ở bước đầu, con người ta mới có nhận thức về ngành tâm lý trị liệu và nhu cầu ở trong nhân dân muốn biểu lộ. Chúng ta đang hình thành một thói quen mới, giúp người ta có thể bộc lộ và người ta cần một chuyên gia để giải quyết những vướng mắc tâm lý".
Khoa học tâm lý-Giáo dục của ta hiện nay tồn tại với tư cách là ngành khoa học nặng về lý thuyết và những lý thuyết này lại mang nặng tính chất lý luận hàn lâm. Do đó, chúng chưa chưa phát huy hết tác dụng trong thực tiển, tính ứng dụng trong đời sống còn yếu.
(Kiến nghị của Liên hiệp hội Khoa học Kỹ thuật VN gửi Quốc hội tháng 5/2005)
TS Đinh Phương Duy cho biết thêm, phần lớn các chuyên gia ở VN được trang bị phần lý thuyết theo trường phái của Nga và một số nước khác. Nhưng không được trang bị về mặt trị liệu.
Gần đây, có một số chuyên gia đang nỗ lực, định hướng đi vào ngành này. Tuy là không được đào tạo bài bản, nhưng họ tìm tòi, nghiên cứu nhiều sách vở, mày mò để tự ứng dụng vào cuộc sống. Hiện nay có một vài nơi cũng đã tiến hành thử nghiệm tâm lý trị liệu, nhưng chưa nhiều...
Phần lớn, các trung tâm tư vấn tâm lý hiện nay chỉ mới làm công việc… tư vấn, nghĩa là đưa ra những lời khuyên bảo cho người mắc tâm bệnh chứ chưa thực hiện được trị liệu tâm lý!
Ngành tâm lý trị liệu ở ta đang chậm so với sự phát triển của xã hội.. Có rất nhiều áp lực khiến cho con người ta bị bấn loạn tâm thần. Vì những lý do: áp lực công việc, giá trị chuẩn mực đạo đức thay đổi, nhưng con người ta không kịp thay đổi theo dẫn đến chơi vơi, gây ra những cú sốc về mặt tâm lý. Nếu không tiến hành các biện pháp tâm lý trị liệu, người mắc tâm bệnh khó lấy lại được trạng thái cân bằng tâm lý. Điều này dẫn đến những hậu quả tiêu cực cho xã hội, ảnh hưởng đến cả trật tự - an toàn xã hội.
Hiện, ở TP.HCM, ngoài 20 trung tâm tư vấn tâm lý, “tuy có tâm huyết nhưng còn thiếu thống nhất về kỹ năng, định hướng”, chỉ có IFC đang thực hiện tâm lý trị liệu. Nhưng theo TS Đinh Phương Duy: "IFC chỉ mới là hình thức bước đầu, các chuyên viên ở IFC cũng chỉ đang mày mò thực hiện tâm lý trị liệu với sự hướng dẫn của chuyên gia nước ngoài…”  
Nông Khắc Ý - Đoan Trúc