6 tháng 4, 2011

Phản ứng của cơ thể trước stress

Phản ứng của cơ thể trước stress là sự tổng hòa hai mặt của phản ứng sinh học và phản ứng tâm lý. Phản ứng sinh học thông qua con đường thần kinh – thể dịch, ảnh hưởng đến mọi chức năng của cơ thể và gây ra những biến đổi thể chất nhất định (mạch nhanh, vã mồ hôi, run chân tay...). Còn phản ứng tâm lý cá nhân thông qua đáp ứng cảm xúc, nhận thức và ứng xử, biểu hiện như buồn rầu, lo âu, sợ hãi, bồn chồn, tức giận...

Phản ứng sinh học của cơ thể trước stress

Hans Selye (1954) đã mô tả những phản ứng sinh học của cơ thể trong "Hội chứng thích nghi tổng quát"(General Adaptation Syndrome) bao gồm ba giai đoạn sau:

Giai đoạn phản ứng báo động (stage of Alarm Reaction)

Trước cảm xúc mạnh, đột ngột - stress đặt ra một sự báo động trong não, cơ thể biến đổi sinh lý chuẩn bị đối phó với hoàn cảnh mới, chuẩn bị hoạt động phòng vệ, hệ thống thần kinh tăng cường và tăng chế tiết các hormon làm cho cơ thể ở vào tình trạng hưng phấn, tăng cảm giác, tăng nhịp tim, tăng nhịp thở, đồng tử giãn, dạ dầy như bị thắt chặt lại, hồi hộp, vã mồ hôi, nổi gai ốc, run chân tay, căng thẳng các cơ... Về mặt hoá sinh, giai đoạn này có sự tăng tiết nhóm catecholamine. Đáp ứng này (đôi khi gọi là đáp ứng đương đầu hay đáp ứng trốn tránh) là quan trọng bởi vì nó giúp cho chúng ta bảo vệ cơ thể, chống lại các tình huống đe doạ của stress ở nơi làm việc hay ở nhà. Một khi stress được loại bỏ thì cơ thể sẽ trở lại bình thường.

Các tác giả Rainer Reinschied, Olivier Civelli và Hans Peter Nothacker còn phát hiện được rằng, não có khả năng sản xuất ra một loại protein có thể điều hoà phản ứng của cơ thể đối với stress gọi là Ophanin FQ hay Nociceptin. Đó là một loại protein rất nhỏ của não, được tìm thấy ở vùng hạnh nhân và vùng dưới đồi, protein này có tác dụng giúp cho cơ thể thích nghi được với stress tái diễn. Các tác giả cũng cho rằng, Ophanin FQ hay Nociceptin có tác dụng chống lại phản ứng "đương đầu hay trốn tránh" của cơ thể đối với stress, đó là phản ứng có tác dụng kích thích tuyến yên và tuyến thượng thận sản xuất các hormon và tăng hoạt động của vùng não điều khiển các phản ứng báo động và vận động. (Rainer. R.)

Giai đoạn đề kháng (Stage of Resistance)

Giai đoạn này xẩy ra sau giai đoạn báo động. Các đợt ngắn hoặc không thường xuyên của stress tạo ra các nguy cơ nhỏ. Nhưng khi tình huống stress không thể giải quyết được, hoặc do stress tác động trường diễn. Cơ thể cố duy trì trạng thái hoạt hoá, thông qua hệ thần kinh trung ương gây kích thích trục dưới đồi-tuyến yên-vỏ thượng thận, giải phóng nhiều corticosteroid, tăng nồng độ đường trong máu để cung cấp năng lượng, tăng huyết áp, từ đó tác động lên toàn bộ cơ thể. Các biến đổi này nằm trong rối loạn còn bù trừ và có tính chất lâu dài. Giai đoạn này có sự tham gia của toàn bộ cơ thể, trong đó có hệ thần kinh trung ương. Nếu stress còn tiếp tục, cơ thể mất bù sẽ dẫn đến giai đoạn kiệt sức.

Giai đoạn kiệt sức (Stage of Exhaustion)

Do stress quá sức chịu đựng hoặc có nhiều stress tác động trường diễn làm cho những biến đổi của cơ thể mất khả năng bù trừ, cơ thể trở nên suy kiệt và mệt mỏi, khả năng điều chỉnh và tự phòng vệ bị suy yếu nghiêm trọng, khả năng thích nghi bị rối loạn và xuất hiện nhiều trạng thái bệnh lý khác nhau về cơ thể và tâm thần [95].

Phản ứng tâm lý trước stress

Trước tác động của stress, nhân cách không hoàn toàn bị động mà có sự nhận thức, tiếp nhận hay chống lại stress. Phản ứng của nhân cách trước tác động của stress là phản ứng mang tính cá thể. Mỗi cá thể phản ứng theo một cách riêng, phụ thuộc vào nhận thức, hiểu biết, cá tính, tố bẩm của mỗi người. Eysenck  H. và cs. đưa ra 4 dạng phản ứng của nhân cách trước tác động của stress:

         - Type A: Khi gặp stress, cá thể thường bùng nổ một cách giận giữ, tăng tiết ACTH dẫn đến tăng tiết cortisol và adrenaline gây giữ nước, tăng huyết áp, xơ vữa động mạch và bệnh mạch vành.
         - Type B: Khi gặp stress, cá thể thường thất vọng, các phản ứng thường lặn vào trong, kìm nén những phản ứng cảm xúc dẫn tới giảm niễn dịch, dễ bị nhiễm trùng, thiên hướng bị ung thư.
         -Type C: Biểu hiện phản ứng trước stress thường là lặng lẽ, buồn rầu. Về sinh hoá có giảm canxi máu, giảm các yếu tố vi lượng, thường lão hoá sớm, dễ bị trầm cảm.
        -Type D: Trước tác động của stress, cá thể thường bình tĩnh, tự tin, tự khẳng định mình, không có biến đổi đáng kể, khả năng thích nghi.

                                                                                                    (TS. Lã Thị Bưởi)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét