6 tháng 4, 2011

BỆNH TÂM THẦN PHÂN LIỆT (Schizophrenia)

1. Khái niệm

Tâm thần phân liệt (TTPL) là một bệnh loạn thần nặng và phổ biến, căn nguyên chưa rõ ràng. Bệnh có tính chất tiến triển với những rối loạn đặc trưng về tư duy, tri giác, cảm xúc, dẫn đến những rối loạn cơ bản về tâm lý nhân cách theo kiểu phân liệt và mất dần tính hài hoà thống nhất giữa các hoạt động tâm lý, gây chia cắt rời rạc các hoạt động tâm thần.

2. Vài nét lịch sử

- Bệnh được W.Griesinger mô tả lần đầu tiên trong y văn vào thế kỷ thứ XVIII dưới cái tên sự mất trí tiên phát – Primary dementia.

- Những năm tiếp sau, bệnh được nhiều tác giả đề cập đến với các tên gọi khác nhau như: Bệnh hoang tưởng – delire (F.E Fodere), bệnh mất trí sớm -dementia praecox (B. Morel), bệnh thanh xuân – hebephrenia (E. Hecter).

- Năm 1939, K.Schneider đưa ra 11 triệu chứng tiêu chuẩn quyết định để chẩn đoán TTPL.

- Ngày nay, TTPL được xếp ở mục F20 của bảng phân loại bệnh quốc tế lần thứ 10 (ICD 10F) và mục 295 trong phân loại bệnh của Hội tâm thần học Mỹ(DSM – IV).

3. Đặc điểm lâm sàng.

3.1 Đặc điểm chung.

Các triệu chứng lâm sàng của bệnh đa dạng, phong phú, luôn biến đổi tùy theo thể bệnh, giai đoạn tiến triển của bệnh…có thể khái quát hoá thành hai nhóm triệu chứng như sau:

+ Nhóm triệu chứng âm tính: thể hiện sự tiêu hao, mất mát, mất tính toàn vẹn hài hòa của hoạt động tâm thần.

- Tính thiếu hòa hợp: Tính kỳ dị, khó hiểu, khó hoà nhập, người bệnh sống trong thế giới tự kỷ bên trong nội tâm của họ, họ suy nghĩ và làm những điều kỳ dị, vô nghĩa không ai có thể hiểu được.

- Giảm sút thế năng tâm thần: giảm tính năng động, tính nhiệt tình trong mọi hoạt động, không thiết làm việc gì, cảm xúc khô lạnh, không thích hợp, tư duy nghèo nàn, ngôn ngữ đơn điệu vô nghĩa, nói một mình….

+ Nhóm triệu chứng dương tính:

Là những triệu chứng đa dạng, phong phú. Chúng xuất hiện trong quá trình bị bệnh và luôn biến đổi, chúng tồn tại nhất thời rồi mất đi hoặc thay thế bằng những triệu chứng khác. Các triệu chứng hay gặp gồm có:

Hoang tưởng:

Một số hoang tưởng hay gặp:

- Hoang tưởng bị hại: là hoang tưởng hay gặp nhất, bệnh nhân (BN) cho rằng mình bị người xung quanh (người thân hoặc người lạ) tìm cách làm hại BN và gia đình họ…

- Hoang tưởng tự cao: BN khoe khoang mình tài giỏi, có khả năng siêu phàm, giầu có…

- Hoang tưởng ghen tuông: BN luôn nghĩ rằng vợ (chồng) mình không chung thủy, quan hệ bất chính…dù thực tế xác định là không có sự việc đó.

- Hoang tưởng bị vật lý chi phối: BN cho rằng mình bị các yếu tố vật lý như tia vũ trụ, dòng điện…tác động vào cơ thể chi phối suy nghĩ, hoạt động, cảm xúc..của BN.

Ảo giác:

Hay gặp nhất là ảo thanh: bệnh nhân nghe thấy những âm thanh, tiếng nói khác thường mà người khác không nghe thấy được. Nội dung có thể là trò chuyện với BN, khen chê bình phẩm về BN , đe dọa, ra lệnh bắt BN làm việc này việc khác…

Đặc biệt, các hoang tưởng, ảo giác có thể chi phối mạnh mẽ cảm xúc, hành vi của bệnh nhân dẫn đến các hành vi kích động, đập phá, đánh, giết người xung quanh hoặc tự hủy hoại bản thân, tự sát…

3.2 Đặc điểm tiến triển lâm sàng của bệnh.

Theo R. Murray (2000), TTPL có 4 nhóm tiến triển như sau:

- Bệnh nhân có một thời kỳ bị bệnh duy nhất sau đó bệnh ổn định hoàn toàn. Kiểu tiến triển này chiếm 20% tổng số bệnh nhân tâm thần phân liệt.

- Bệnh có nhiều đợt tái phát, giữa các đợt tái phát bệnh hầu như ổn định (chiếm 35%).

- Bệnh có nhiều đợt tái phát, giữa các đợt tái phát có biểu hiện thiếu sót hành vi tâm thần rõ ràng (8%).

- Bệnh tái phát, sau mỗi đợt tái phát các di chứng tâm thần nặng nề dần lên giống như kiểu tiến triển liên tục nặng (chiếm 35%).

Tỷ lệ tái phát, sau 2 năm, chiếm khoảng 40% và tỷ lệ này tăng lên đến 80% nếu người bệnh không được điều trị liên tục. Do vậy bên cạnh sự can thiệp điều trị của thầy thuốc thì gia đình và cộng đồng đóng vai trò rất lớn trong việc giám sát, duy trì điều trị cho người bệnh để góp phần làm giảm tỷ lệ tái phát của bệnh.

4. Điều trị

a/ Hóa dược

- An thần kinh cổ điển:

+ Aminazin 25 – 1000 mg/ ngày

+ Levomepromazin 25 – 300 mg/ngày

+ Haloperidol 1,5 – 120 mg/ngày

+ Sulpiride 400 – 2400 g/ngày

- An thần kinh mới:

+ Olanzapin: 5 – 20 mg/ngày

+ Risperidone: 2- 16 mg/ngày

+ Amisulpride: 400 – 1200 mg/ngày

+ Clozapine: 25 – 400 mg/ngày

- Các thuốc khác :

+ Chống trầm cảm: là thuốc được cân nhắc sử dụng khi bệnh nhân có các biểu hiện trầm cảm kèm theo, nhưng phải hết sức thận trọng khi lựa chọn liều lượng vì thuốc có thể làm hoạt hóa các hoang tưởng, ảo giác dẫn đến hành vi nguy hiểm như kích động đập phá, đánh người hay tự sát…
+Điều chỉnh khí sắc: thuốc có tác dụng tốt trong điều trị và dự phòng tái phát, nhất là ở những bệnh nhân TTPL có rối loạn cảm xúc kèm theo.

b/ Sốc điện (Electro Convulsive):

Đây là liệu pháp điều trị áp dụng cho bệnh nhân TTPL điều trị nội trú trong bệnh viện, tác dụng điều trị của liệu pháp này theo đánh giá của nhiều thầy thuốc lâm sàng là rất hiệu quả tuy nhiên cũng có nhiều tai biến nguy hiểm, do vậy chỉ định và chống chỉ định điều trị của phương pháp này rất chặt chẽ. Một số chỉ định chính như sau:

- Các trường hợp TTPL có ý tưởng, hành vi tự sát, toan tự sát, doạ tự sát.

- Các trường hợp TTPL kháng thuốc.

- Các trường hợp TTPL có kèm theo trạng thái kích động mạnh.

c/ Liệu pháp tâm lý, liệu pháp lao động tái thích ứng xã hội:

+ Liệu pháp tâm lý cá nhân có thể áp dụng song song với hóa dược, giải thích hợp lý, liệu pháp hành vi.

+ Liệu pháp tâm lý nhóm và tâm lý gia đình.

Những yêu cầu chung với cộng đồng xung quanh: phải có thái độ tâm lý tốt, thông cảm, tôn trọng người bệnh, tổ chức hệ thống mở làm cho người bệnh có cảm giác thoải mái, tin tưởng…

+ Liệu pháp lao động: là biện pháp không thể thiếu nhằm duy trì tính tự chủ, khắc phục các triệu chứng âm tính, chống lại sự mãn tính hóa.

d/ Một số lưu ý khi quản lý điều trị bệnh nhân tại gia đình:

+ Việc điều trị phải được duy trì thường xuyên, liên tục và lâu dài nhằm tránh tái phát.

+ Các thuốc điều trị đều có tác dụng phụ nhất định, có thể gây tử vong khi uống quá liều. Do vậy những người thân trong gia đình người bệnh phải tuân thủ chặt chẽ việc quản lý thuốc, cho người bệnh uống thuốc đúng theo đơn thuốc, mọi sự tăng , giảm liều thuốc,ngừng uống thuốc, đổi thuốc… đều phải được chỉ định bởi các bác sĩ chuyên khoa tâm thần.

Khi người bệnh uống thuốc quá liều, khi nghi ngờ người bệnh uống thuốc quá liều, gia đình phải thông báo kịp thời cho bác sĩ và khẩn trương đưa người bệnh đến cấp cứu tại cơ sở y tế gần nhất.

+ Khi có dấu hiệu tái phát, nhất là khi có các biểu hiện cấp tính như: kích động đập phá, từ chối ăn uống, ý tưởng hành vi tự sát, tự hủy hoại thân thể… người bệnh cần được đưa ngay tới các bệnh viện chuyên khoa tâm thần để quản lý và điều trị nội trú.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét